Huyện Đầm Hà nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh, là địa phương nằm giữa 2 khu kinh tế lớn: Móng Cái – Vân Đồn, Đầm Hà sở hữu bờ biển dài, mặt nước biển và vùng bãi triều rộng, thuận lợi cho phát triển, nuôi trồng thủy hải sản. Những năm vừa qua, huyện Đầm Hà đã đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy hải sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đây được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn sẽ có nhiều triển vọng phát triển trong thời gian tới.
Huyện Đầm Hà có bờ biển dài hơn 21km, vùng cửa sông, bãi triều có diện tích hơn 5.500ha, mặt biển hơn 12.000ha, vùng biển Đầm Hà rộng, được các hòn đảo phân thành hai tuyến, tuyến trong tạo thành vùng vịnh, tuyến ngoài trải rộng hòa nhập với Biển Đông. Đầm Hà có Đảo Đá Dựng được thiên nhiên ưu đãi, hội tụ đủ những yếu tố để phát triển du lịch sinh thái, có bến cảng Đầm Buôn; cảng hậu cần nghề cá. Biển Đầm Hà có nhiều hải sản quý như: tôm, mực, cua, sò huyết, sá sùng, cá song, cá ngừ… bên cạnh đó vùng ven biển có sự đan xen với các cửa sông, cửa lạch, hàng năm được bồi đắp lượng phù sa màu mỡ, rất thích hợp với việc nuôi trồng thuỷ sản. Để phát triển ngành kinh tế biển theo hướng bền vững, huyện Đầm Hà ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi, tập trung triển khai thực hiện các quy hoạch gồm: Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản huyện Đầm Hà đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch chi tiết khu nuôi trồng thủy sản bãi triều xã Tân Bình, diện tích 268 ha; Quy hoạch chi tiết phát triển vùng nuôi tôm tập trung thôn Phúc Tiến, xã Tân Lập đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, diện tích 28,36 ha; Quy hoạch chi tiết phát triển vùng nuôi tôm tập trung tại thôn Tân Việt, Tân Lương, xã Tân Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, diện tích 45,4 ha; Quy hoạch chi tiết 1/1000 nuôi trồng thủy sản tập trung bãi triều và mặt nước biển tại các xã Tân Bình, Tân Lập, Đại Bình, Đầm Hà, diện tích 1.133 ha.
Nuôi tôm thẻ chân trắng tại xã Tân Bình
Để thu hút đầu tư vào lĩnh vực thuỷ sản, huyện Đầm Hà tích cực cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp huyện, chú trọng đến công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực… Huyện đã thu hút được một số dự án nuôi trồng thủy sản lớn. Trong đó tiêu biểu là Dự án Khu phức hợp sản xuất giống, nuôi tôm công nghệ cao siêu thâm trong nhà kính của tập đoàn Việt – Úc tại thôn Phúc Tiến, xã Tân Lập huyện Đầm Hà. Khu phức hợp có quy mô gần 170ha, bao gồm: Khu sản xuất tôm giống; khu sản xuất tôm bố mẹ; khu nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính; khu trình diễn các quy trình nuôi; khu thu hút và lan tỏa các công nghệ cao trong ngành tôm và thủy sản Tại Quảng Ninh. Công ty TNHH Việt – Úc Quảng Ninh đã sản xuất ổn định với sản lượng khoảng 1,5 tỷ con giống/năm. Năm 2022 sản lượng đạt 2 tỷ con tôm giống/năm. Ngoài ra, Tập đoàn cũng đưa các nhà khoa học đầu ngành tới huyện Đầm Hà để phối hợp nghiên cứu giống sá sùng; nghiên cứu việc nuôi bào ngư… Cùng với đó, Trung tâm Sản xuất giống công nghệ cao và nuôi thực nghiệm giống hải sản Quảng Ninh do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển sản xuất Hạ Long (BIM) đầu tư, tại xã Đại Bình, diện tích 125ha, tổng mức đầu tư dự án khoảng 200 tỷ đồng. Hiện hoạt động của Trung tâm chủ yếu là nuôi tôm thương phẩm. HTX Sản xuất và Nuôi trồng thủy sản Bắc Việt (thôn Đầm Buôn, xã Đầm Hà) hiện đầu tư hệ thống hạ tầng khá hoàn thiện với các bể ươm, ao chứa, bể xử lý nước thải, hệ thống lò nâng nhiệt, bể cho cá đẻ…; năng lực sản xuất mỗi năm đạt 5 triệu con giống cá biển, doanh thu 8-10 tỷ/năm. Sản xuất giống thủy sản tại Đầm Hà đã đáp ứng tốt nhu cầu tôm giống chất lượng cao cho cho các hộ nuôi tôm trong tỉnh và các địa phương khu vực phía Bắc, tạo ra bước đột phá trong phát triển ngành thủy sản Quảng Ninh.
Đầm Hà cũng đã dành nhiều cơ chế khuyến khích các hộ gia đình tham gia nuôi trồng thủy sản. Phối hợp với các ngành chức năng, cơ quan chuyên môn về thủy sản kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh và tập huấn khoa học, kỹ thuật, khuyến cáo người nuôi các biện pháp kỹ thuật cần thiết để phòng, chống dịch bệnh. Triển khai một số mô hình nuôi theo hướng VietGAP và tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi cho người dân đang tham gia nuôi tôm chân trắng tại một số xã ven biển. Tiến hành đánh giá các về an toàn dịch bệnh, ATVSTP và tập huấn cho người nuôi kỹ năng ghi chép hồ sơ, nhật ký ao nuôi; đồng thời cung cấp các thông tin về hiện trạng, định hướng phát triển nuôi tôm chân trắng… Các mô hình đã hướng người dân đến một phương thức nuôi áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, tuân thủ các quy trình kỹ thuật chặt chẽ từ khâu cải tạo ao, đến lựa chọn con giống, thức ăn và quy trình chăm sóc nhằm mục tiêu nuôi an toàn môi trường, an toàn dịch bệnh, hạn chế sử dụng thuốc hoá chất. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, huyện đã định hướng các doanh nghiệp và người dân xây dựng và hình thành các vùng sản xuất tập trung thâm canh các đối tượng nuôi chủ lực như tôm thẻ chân trắng, nhuyễn thể, cá biển các loại; khu sản xuất tập trung ứng dụng công nghệ cao; vận động chuyển đổi sang sử dụng vật liệu làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản đảm bảo theo quy chuẩn địa phương; đa dạng hóa đối tượng và phương pháp nuôi để khai thác cơ hội thị trường. Một số doanh nghiệp, HTX, hộ nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ mới, quy trình VietGAP, nuôi nhà màng công nghệ cao; nghề nuôi trồng thủy sản của huyện từ chỗ quảng canh, nhỏ lẻ nay đã hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung quy mô công nghiệp. Diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2022 đạt 810,2 ha, nuôi cá lồng bè trên biển đạt 1.090 ô lồng. Tổng sản lượng thuỷ sản đạt 11.807 tấn, trong đó: sản lượng khai thác 3.162 tấn; sản lượng nuôi trồng 8.645 tấn. Giá trị sản xuất ngành thủy sản năm 2022 đạt 2.060 tỷ đồng; chiếm 72,9 % tổng giá trị ngành nông nghiệp.
Năm 2023, ngành nuôi trồng thủy sản Đầm Hà tiếp tục đặt ra mục tiêu phấn đấu phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững, sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm,bảo vệ môi trường và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Để đạt được mục tiêu này huyện Đầm Hà sẽ tập trung nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thủy sản; tập trung thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý và phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản trên biển tỉnh Quảng Ninh; Phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao; cơ cấu lại diện tích, đối tượng nuôi phù hợp; nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn thị trường; giảm diện tích, mật độ nuôi ở vùng biển từ 03 hải lý trở vào; mở rộng diện tích nuôi thủy sản biển phù hợp với sức tải môi trường trong giới hạn từ 3 đến 6 hải lý; khuyến khích đầu tư nuôi biển ứng dụng công nghệ cao, tập trung chủ yếu ở các xã ven biển: Đại Bình, Tân Lập, Đầm Hà và Tân Bình; Hoàn thành sắp xếp các khu vực nuôi biển tập trung theo quy hoạch; hoàn thành lộ trình thực hiện việc thay thế vật liệu nổi sử dụng trong nuôi trồng thủy sản bằng vật liệu phù hợp quy chuẩn địa phương, thân thiện với môi trường; tập trung phát triển sản xuất các giống thủy sản chủ lực, có giá trị kinh tế cao, chủ động nguồn giống về số lượng và chất lượng đảm bảo nhu cầu giống cho vùng nuôi; Triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế chính sách của Trung ương, tỉnh về phát triển thủy sản, tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp người dân và doanh nghiệp phát triển nghề nuôi trồng thủy sản trên biển, nâng cao thu nhập, đưa nuôi trồng thủy sản trên biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Mai Thắm (Trung tâm TT&VH)