Chủ đề công tác năm 2020: "Huyện Đầm Hà tự hào tiến bước dưới cờ Đảng" - Chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2020)

Đầm Hà, Quảng Ninh: Hành trình xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP

Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Những năm qua, tỉnh đã thực hiện nhiều kế hoạch góp phần xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP, tạo việc làm mới, tăng thu nhập cho người dân và phát triển sản xuất.

<https://thoibaokinhdoanh.vn/kinh-doanh-xanh/dam-ha-quang-ninh-hanh-trinh-xay-dung-thuong-hieu-san-pham-ocop-1063350.html>

Sau 6 năm thực hiện, Đầm Hà đã từng bước khẳng định hiệu quả chương trình OCOP. Các sản phẩm tham gia chương trình đã được nhân dân trong huyện, tỉnh và các tỉnh, thành khác biết đến. Đặc biệt, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình ngày càng có ý thức xây dựng, phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.

Chủ động sản xuất sản phẩm

Những năm gần đây, sản phẩm OCOP Chân giò nướng Ba miền của anh Phan Văn Khôi (thôn Tân Mai, xã Tân Lập, Đầm Hà) không chỉ là món ăn quen thuộc trong bữa cơm của người dân Đầm Hà mà còn là sản phẩm được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh, thành biết đến, tin dùng.

Để đạt được hiệu quả như vậy, anh Khôi cho biết, gia đình anh có truyền thống làm nghề chân giò nướng lâu đời ở địa phương, nhưng chỉ sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ, thu nhập không cao. Năm 2017, được sự tư vấn của huyện, gia đình anh đã đầu tư gần 500 triệu đồng để xây dựng nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị phụ trợ, phục vụ cho sản xuất, đưa sản phẩm chân giò nướng của gia đình tham gia vào Chương trình OCOP địa phương với tên đăng ký “Chân giò nướng Ba miền”.

Từ khi tham gia Chương trình OCOP, sản phẩm Chân giò nướng của gia đình anh được sản xuất bài bản, quy mô hơn, đảm bảo các tiêu chí về chất lượng, an toàn thực phẩm. Sản phẩm cũng được hỗ trợ để hoàn thiện bao bì, nhãn mác, quảng bá tại các hội chợ, lễ hội, điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP… Chân giò nướng Ba miền của gia đình anh đã đạt 3 sao tại Cuộc thi đánh giá và xếp hạng chất lượng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, được đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết tới. Nhờ đó, quy mô sản xuất mở rộng, chất lượng sản phẩm được nâng lên, giá thành sản phẩm tăng từ 200.000 đồng/kg lên 250.000 đồng/kg, doanh thu cũng tăng gấp đôi so với trước, khoảng 450-500 triệu đồng/năm.

Thấy rõ được hiệu quả từ chương trình phát triển các sản phẩm OCOP, người dân huyện Đầm Hà ngày càng tin tưởng, hào hứng tham gia, chủ động đầu tư, sản xuất sản phẩm.

Chỉ tính từ đầu năm đến nay, huyện đã có 23 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, trong đó có 8 sản phẩm đạt 3-4 sao cùng 2 HTX, 1 công ty, 1 hộ gia đình đăng ký phát triển 5 sản phẩm mới.

Trên cơ sở nhu cầu đăng ký, phát triển của các cơ sở, Ban điều hành chương trình OCOP huyện đã cử cán bộ chuyên môn xuống cơ sở hướng dẫn về quy trình, thủ tục, chính sách hỗ trợ…, để các cơ sở nắm được và chủ động sản xuất sản phẩm OCOP.

Mở rộng chương trình

Nhằm định hướng tiêu dùng, hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân trong hoạt động xúc tiến thương mại, đổi mới công tác quản lý, Ban điều hành chương trình OCOP huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thành lập các tổ công tác, phối hợp với cơ sở sản xuất tiến hành trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm tại các lễ hội, hội chợ, triển lãm trên địa bàn tỉnh, huyện.

Sản phẩm OCOP của huyện đã được trưng bày, giới thiệu và bán tại nhiều lễ hội như hội đình Đầm Hà, đình Tràng Y – xã Đại Bình; các hội chợ OCOP Quảng Ninh tại Hà Nội, OCOP Quảng Ninh Xuân 2019, OCOP hè năm 2019… Việc này không chỉ mang về hàng trăm triệu đồng tiền doanh thu sản phẩm OCOP từ mỗi kỳ lễ hội mà còn góp phần quảng bá sản phẩm, đưa sản phẩn đến gần hơn với người tiêu dùng….

Song song với đó, huyện chú trọng hỗ trợ các tổ chức, cá nhân mở rộng quy mô, phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng, số lượng và mẫu mã sản phẩm, với nhiều hoạt động hiệu quả như: Hỗ trợ giống để mở rộng vùng sản xuất; hỗ trợ vốn xây dựng nhà xưởng, nhà kho lưu trữ sản phẩm, sân phơi tiêu chuẩn đảm bảo vệ sinh; hỗ trợ máy móc thiết bị để hoàn thiện dây chuyền sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng cho sản phẩm… Tới nay, trên địa bàn huyện có 11 cơ sở hoàn thành quy trình sản xuất và được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm theo đúng quy định.

Ông Vũ Xuân Khải, Trưởng Phòng NN&PTNT, Phó Ban điều hành chương trình OCOP huyện, cho biết: Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục vận động nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn tham gia chương trình OCOP. Trong đó, tập trung đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng thương hiệu, đầu tư thành phẩm, bao bì, mẫu mã; phát huy hiệu quả việc quảng bá, vận hành Trung tâm trưng bày và bán sản phẩm OCOP huyện, tham gia mạng lưới trung tâm OCOP toàn tỉnh; hỗ trợ phát triển, nâng cao số lượng, chất lượng các sản phẩm hiện có, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và của tỉnh.

Nguồn: Khánh Hồng (thoibaokinhdoanh.vn)