Chủ đề công tác năm 2020: "Huyện Đầm Hà tự hào tiến bước dưới cờ Đảng" - Chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2020)

Đầm Hà phát triển bền vững kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi gắn với xây dựng nông thôn mới

Bằng nhiều giải pháp linh hoạt, chủ động, sáng tạo, huyện Đầm Hà đã triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của BCH Đảng bộ Tỉnh về phát triển bền vững kinh tế – xã hội, đảm bảo vững chắc quốc phòng – an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, biên giới, hải đảo gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM). Qua đó, đã góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, giảm nghèo bền vững; tạo động lực để huyện bứt phá đi lên, trở thành huyện nông thôn mới nâng cao.

Để Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, huyện đã chủ động xây dựng, ban hành chương trình hành động số 11-CTr/HU ngày 17/9/2021về thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “về phát triển kinh tế – xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng – an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021 -2025, định hướng đến năm 2030”; Nghị quyết số 08-NQ/HU ngày 18/12/2021 “Về phương hướng nhiệm vụ năm 2022”; Kế hoạch số 206/KH-UBND ngày 26/10/2021 phát triển kinh tế – xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng – an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, xác định rõ các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể và gắn với trách nhiệm các cơ quan, đơn vị và các xã trên địa bàn. Đồng thời tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Nhằm xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, huyện đã tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung danh mục công trình, dự án; chủ động phân khai, bố trí nguồn lực để hoàn thành các mục tiêu theo lộ trình, kế hoạch. Từ năm 2021 đến nay, tổng nguồn vốn phân bổ thực hiện Chương trình dân tộc thiểu số là 88,997 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh 65,136 tỷ đồng, ngân sách huyện 23,861 tỷ đồng. Huyện đã tập trung đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối, cấp nước, cấp điện nhằm tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; nâng cấp cơ sở vật chất trường học, trạm y tế và các thiết chế văn hóa xã hội; ưu tiên lộ trình hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông kết nối nội vùng, liên vùng và hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng đồng bộ để thu hút đầu tư, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Cùng với việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ ngân sách nhà nước, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm huy động nguồn lực xã hội hóa chung sức xây dựng nông thôn mới; lấy nhân dân làm chủ thể; trọng tâm theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ”. Với tinh thần công khai, dân chủ, cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên tổ chức tọa đàm, đối thoại với nhân dân, tổ chức lấy ý kiến của các hộ dân; công khai những phần việc và nguồn kinh phí của Nhà nước và nhân dân đóng góp; đảm bảo công khai, minh bạch thu – chi, nghiệm thu, thanh quyết toán các công trình. Trong quá trình thực hiện, cấp ủy, chính quyền luôn bám sát công việc, cùng bàn, cùng làm, cùng chia sẻ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc với người dân. Nhằm huy động các nguồn lực tham gia xây dựng NTM, Ủy ban MTTQ các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên phát động xây dựng các mô hình, phong trào cụ thể gắn với vai trò, nhiệm vụ của mỗi tổ chức như: Hội CCB với mô hình “Thắp sáng đường quê”, “Tổ nhân dân tự quản về ANTT”; hội Nông dân với phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; hội Phụ nữ với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; Đoàn thanh niên với phong trào “Tuổi trẻ chung sức xây dựng NTM”; Người cao tuổi với phong trào thi đua “Tuổi cao gương sáng”.v.v. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia hiến đất, đóng góp kinh phí, ngày công xây dựng các công trình nông thôn mới, tham gia bảo vệ môi trường; duy trì có hiệu quả “Ngày thứ 7”, “Chủ nhật xanh”. các doanh nghệp, LLVT trong và ngoài huyện đã đóng góp nguồn lực giúp các địa phương hoàn thành các công trình giao thông, đầu từ máy móc hỗ trợ người dân phát triển sản xuất. Nhân dân phát huy vai trò chủ thể, tích cực tham gia phong trào xây dựng thôn kiểu mẫu, chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, trồng cây bóng mát, vệ sinh môi trường, tạo ra phong trào thi đua sôi nổi trong toàn huyện; góp phần xây dựng cảnh quan, môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp.

Phong trào Ngày chủ nhật xanh được duy trì hiệu quả

Cùng với phát triển cơ sở hạ tầng, huyện cũng đã quan tâm đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho nhân dân. Cấp ủy các cấp tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, liên kết tạo ra chuỗi trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng những sản phẩm mang thương hiệu của địa phương. Huyện  tiếp tục dành nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ công nhận 300 ha quế đạt tiêu chuẩn oganic; năm 2022 hỗ trợ công nhận cho trên 1.000 ha. Đồng thời tạo điều kiện cho Công ty Quế Hồi Quảng Ninh triển khai dây chuyền chế biến quế xuất khẩu và xây dựng mô hình liên kết sản xuất chế biến tiêu thụ, góp phần quan trọng đưa sản phẩm quế xuất khẩu ra thế giới. Bên cạnh đó, tiếp tục vận động người dân tổ chức liên kết chăn nuôi Gà bản Đầm Hà, phát triển kinh tế gia đình thông qua mô hình trang trại, gia trại; triển khai thực hiện Đề án trồng cây ăn quả, kế hoạch trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa theo chỉ đạo của tỉnh; đồng thời quy hoạch một số cụm công nghiệp để phát triển công nghiệp chế biến nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, dịch vụ thương mại góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội trên địa bàn phát triển. Bên cạnh đó, huyện đã triển khai giới thiệu, nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả; nâng cao nhận thức cho người dân đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo, giúp các hộ chủ động vươn lên thoát nghèo, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Đồng thời chủ động lồng ghép chương trình giảm nghèo với phát triển kinh tế xã hội, các chương trình dự án hỗ trợ về y tế, giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, trợ giúp pháp lý, các chính sách an sinh xã hội. Các ban, ngành, đoàn thể thực hiện tốt chương trình vay vốn giải quyết việc làm, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở rộng sản xuất thu hút nguồn lao động nhàn rỗi, tăng thu nhập cho người lao động; quan tâm tạo điều kiện cho 71 hộ vay vốn ủy thác qua Ngân hàng CSXH huyện với tổng nguồn vốn 5,5 tỷ đồng, 152 hộ được tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng để phát triển kinh doanh hộ gia đình. Trong 9 tháng đầu năm,  đã giải quyết việc làm cho trên 1.100 lao động. Toàn huyện có 37 mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả, do phụ nữ làm chủ hoặc làm chủ kĩ thuật. Nhờ đó, đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,32%;  hộ cận nghèo còn 2,17%.

Mô hình chăn nuôi gà bản của gia đình chị Dương Xám Múi – bản Tài Lý Sáy xã Quảng Lâm cho hiệu quả kinh tế cao

Để tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh, tạo bước đột phá trong phát triển dịch vụ, du lịch, huyện đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/HU ngày 18/12/2021 về bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử và văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 22-NQ/HU ngày 24/4/2019 về phát triển du lịch huyện Đầm Hà đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó tập trung triển khai các biện pháp cụ thể để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm gắn với phát triển sản xuất. Triển khai khu du lịch sinh thái thác Bạch Vân tại xã Quảng An. Hàng năm, tổ chức Ngày hội Văn hóa – Thể thao các dân tộc huyện; tăng cường công tác sưu tầm, biên soạn những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện; quan tâm giáo dục truyền thống văn hoá cho thế hệ trẻ; khuyến khích mở các lớp dạy tiếng dân tộc, truyền dạy kỹ năng hát các làn điệu của từng dân tộc trong nhân dân. Qua đó, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn mang tính hiệu quả, bền vững.

Các chính sách an sinh – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện hiệu quả. Tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân trên địa bàn toàn huyện đạt trên 96,5%. Quyền lợi được hưởng thụ đối với chính sách BHYT của bệnh nhân được thanh toán chi trả kịp thời, đầy đủ theo luật BHYT. Mạng lưới cơ sở giáo dục được sắp xếp theo hướng tinh gọn, ổn định, đáp ứng yêu cầu học tập của học sinh. 100% trường, lớp học được xây dựng kiên cố, đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất. 100% các trường công lập đều đạt trường chuẩn quốc gia Kết quả công tác phổ cập giáo dục – xóa mù chữ được giữ vững. Chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn ngày càng được nâng lên. Khoảng cách chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các vùng trong huyện từng bước được thu hẹp. 100% số hộ dân trên địa bàn được sử dụng điện an toàn và nâng cao chất lượng điện; 100% số xã duy trì xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã; duy trì trên 98% đồng bào DTTS có bảo hiểm y tế; 100% các thôn được phủ sóng điện thoại di động.

Chất lượng giáo dục vùng cao được nâng lên

Cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, ban ngành liên quan từ huyện tới cơ sở, thường xuyên theo dõi và nắm chắc tình hình vùng tôn giáo, dân tộc và kịp thời xử lý các tình huống phát sinh ngay từ cơ sở. Vai trò của đội ngũ người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được phát huy. Các mô hình tự quản phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc như: mô hình “Hộ văn hóa, thôn bản an toàn”, “Thôn xóm bình yên, gia đình hạnh phúc”, câu lạc bộ “xây dựng gia đình hạnh phúc” được triển khai hiệu quả; thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc ở vùng đồng bảo DTTS, miền núi được tăng cường; an ninh dân tộc, tôn giáo, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đảm bảo. 100% xã, thôn, bản thường xuyên được xây dựng, trang bị và củng cố kiến thức, kỹ năng  đối với lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên, công an viên; 100% số xã, thôn, bản xây dựng và duy trì thực hiện hiệu quả mô hình kết hợp quân – dân trong các lĩnh vực: phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, bảo vệ an ninh trật tự, bảo tồn văn hóa, giáo dục – đào tạo và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Bằng nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, huyện Đầm Hà đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: kinh tế – xã hội được duy trì, phát triển. Đời sống nhân dân được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người 2022 đạt 74,1 triệu đồng/người/ năm. Huyện có 6 xã đạt Nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện đạt 9/9 tiêu chí, 33/38 chỉ tiêu về xây dựng NTM nâng cao.

Những kết quả đạt được trong triển khai thực hiện Nghị quyết 06 của BCH Đảng bộ Tỉnh về phát triển bền vững kinh tế – xã hội, đảm bảo vững chắc quốc phòng – an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, biên giới, hải đảo gắn với xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững có ý nghĩa quan trọng, khẳng định sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân; góp phần tạo diện mạo mới cho nông thôn của huyện; là tiền đề và động lực để huyện Đầm Hà phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025.

Thanh Nga (Trung tâm TT&VH)