Sau 10 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền và sự chung sức đồng lòng của nhân dân, đến nay huyện Đầm Hà đã đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, hệ thống cơ sở hạ tầng được xây dựng khang trang, diện mạo nông thôn đã thực sự khởi sắc, đời sống của nhân dân từng bước được nâng lên. Đây là tiền đề là động lực để huyện Đầm Hà phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2020.
Là một huyện miền núi, ven biển, với xuất phát điểm thấp, triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, Đầm Hà gặp không ít khó khăn. Cách đây 10 năm, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội của huyện chưa được đầu tư đồng bộ, hệ thống đường trục thôn, xóm hầu như chưa được bê tông hóa. Sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ; nhân dân chưa mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu, cây trồng, vật nuôi. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn khi đó còn rất thấp, hầu như các xã chưa có quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế xã hội. Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo, ban hành các Nghị quyết, kế hoạch, các văn bản, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục đích, ý nghĩa của chương trình, phát động phong trào “ Chung tay xây dựng nông thôn mới” huy động mọi nguồn lực từ cán bộ, đảng viên, nhân dân, các doanh nghiệp trên địa bàn. Để hoàn thành các tiêu chí theo đúng lộ trình đã đề ra, cấp ủy, chính quyền từ huyện tới cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, vận động nhân dân tổ chức thực hiện các tiêu chí, không thụ động, trông chờ ỷ lại vào vốn của Trung ương và của tỉnh. Tiêu chí nào thuận lợi sẽ triển khai thực hiện trước, với tinh thần công khai, dân chủ, các địa phương đã tổ chức lấy ý kiến của các hộ dân, công khai những phần việc và nguồn kinh phí của Nhà nước và nhân dân đóng góp, do vậy công tác tổ chức huy động nguồn lực xây dựng NTM có nhiều chuyển biến, tạo được sự đồng thuận và nhất trí cao trong nhân dân. Trong quá trình thực hiện, cấp ủy, chính quyền luôn bám sát công việc, cùng bàn, cùng làm, cùng chia sẻ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc với người dân.
Thành công trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Đầm Hà là đã huy động được nguồn lực từ cán bộ, đảng viên, các tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp và người dân tham gia thực hiện các tiêu chí của chương trình. Tổng nguồn vốn huy động cho chương trình trong 10 năm là 3.558,6 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 100.032 tỷ đồng, ngân sách tỉnh và huyện đầu tư trực tiếp cho chương trình là 365.392 tỷ đồng. Huy động nguồn vốn ngoài ngân sách 2.365.439 triệu đồng, trong đó vốn tín dụng là 658.491 triệu đồng, vốn doanh nghiệp: 145.586 triệu đồng, cộng đồng dân cư đóng góp 1.552.133 triệu đồng, lực lượng vũ trang, cơ quan, đoàn thể đóng góp 9.229 triệu đồng. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới huyện Đầm Hà luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của tỉnh, sự ủng hộ nhiệt tình các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội, LLVT và các đơn vị doanh nghiệp như Trung đoàn 43 Sư 395, Công ty cổ phần than Hà Lầm, Công ty Cổ phần than Đèo Nai, Công ty TNHH 1 thành viên than Thống Nhất, công ty than Mông Dương… Qua 10 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới đến nay hệ thống cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư xây dựng khang trang, toàn huyện có 93,7/93,7 km đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm . Đường trục thôn, xóm được cứng hóa đạt tỷ lệ 91,25%; có 83,37 % đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa. Đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện đạt tỷ lệ 68,06%; Cùng với đó là hệ thống thủy lợi, trường học, điện, các thiết chế văn hóa từng bước được đầu tư xây dựng khang trang; 9/9 xã đều đã có điểm bưu chính viễn thông; và có dịch vụ internet, 100 % xã có đài truyền thanh và hệ thống loa đến tận các thôn, giáo dục, y tế, thông tin truyền thông được nâng cao, bộ mặt nông thôn của huyện có nhiều khởi sắc.
Nhân dân thôn Phúc Tiến xã Tân Lập nuôi tôm thẻ chân trắng nâng cao thu nhập
Trong phát triển kinh tế, xác định xây dựng nông thôn mới là nâng cao thu nhập và đời sống cho nhân dân, huyện Đầm Hà đã tập trung hỗ trợ sản xuất tạo nguồn lực để nhân dân phát triển kinh tế. Bằng các mô hình như hỗ trợ lãi suất vốn vay, hỗ trợ giống thủy sản, giống quế, hỗ trợ thành lập các hợp tác xã, hỗ trợ nhân dân di chuyển, xây mới chuồng trại chăn nuôi và triển khai các mô hình sản xuất. Đồng thời vận động nhân dân thay đổi tập quán canh tác, áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa các loại cây trồng vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao vào nuôi trồng, khai thác tiềm năng đất đai lao động của địa phương.
Tập đoàn Việt Úc đóng gói tôm giống để vận chuyển cho khách hàng
Trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn như vùng trồng quế 2.600 ha, vùng nuôi trồng thủy sản trên 700 ha, vùng trồng củ cải trên 100 ha. Đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong đó có những dự án lớn như Công ty TNHH Thanh Lâm đã xây dựng nhà máy chế biến gỗ rừng trồng, với tổng mức đầu tư 180 tỷ đồng, sản xuất 2 sản phẩm xuất khẩu là gỗ ghép thanh và viên nén gỗ, mở ra cơ hội phát triển mới cho ngành lâm của địa phương. Công ty CP thực phẩm BIM tại xã Đại Bình nuôi tôm thương phẩm với sản lượng 1.300 – 1.500 tấn tôm/năm; HTX Bắc Việt sản xuất trên 5 triệu con giống cá biển/năm. Dự án khu phức hợp sản xuất tôm của tập đoàn Việt Úc, sau một thời gian tập trung triển khai đến nay Tập đoàn Việt Úc đã khánh thành khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao tại xã Tân Lập, tập trung đi vào sản xuất tôm giống và nuôi tôm thương phẩm, mở ra cơ hội phát triển mới cho ngành tôm Quảng Ninh theo hướng hiện đại.
Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng Đầm Hà phát triển mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao
Trên địa bàn huyện đã hình thành các khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như khu trồng dưa lưới trong nhà màng của Công ty CP Thương Mại và Xây dựng Đầm Hà, năm 2017 Công ty đã thuê 5 ha đất của bà con nông dân thôn Tân Thanh và đầu tư hơn 10 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, lắp đặt nhà màng với diện tích 6.000m2 tại thôn Tân Thanh xã Quảng Tân, triển khai trồng dưa chuột, dưa lưới theo công nghệ Israel. Được trồng theo quy trình viet gap, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm từ sản xuất tới tiêu dùng, sản phẩm của công ty được thị trường đánh giá cao, hiện nay công ty đang tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất cung cung cấp sản phẩm nông nghiệp sạch ngay tại địa phương.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn như tập đoàn TH True Milk, Tập đoàn GFS, Công ty TNHH Hồng Ánh Ngọc, Công ty TNHH TM&DV Hiền Lê, Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Thái Bình Dương đã đến tìm hiểu và triển khai các dự án như: Dự án trang trại chăn nuôi bò sữa, khu chế biến dược liệu kết hợp với trồng cây ăn quả, nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái, Dự án chăn nuôi lợn công nghệ cao, khu du lịch sinh thái thôn Tầm Làng, Dự án khu du lịch sinh thái đảo Đá Dựng …. đã có sự liên kết giữa người dân và doanh nghiệp trong việc phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp như HTX Tuyền Hiền sản xuất giống Gà bản Đầm Hà bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo cung cấp trên 10 vạn gà con giống và liên kết sản xuất tiêu thụ gà bản thương phẩm cho nông dân với sản lượng 90.000 con gà thương phẩm/năm. Công ty TNHH Phú Lâm phối hợp với các hộ nông dân trồng và tiêu thụ nguyên liệu phục vụ chăn nuôi gia súc.Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm “ thu hút đông đảo các tổ chức cá nhân, hộ gia đình tham gia phát triển các sản phẩm OCOP cả về số lượng, chất lượng. Đã có 28/28 sản phẩm có nhãn mác bao bì, trong đó có 11 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy đăng ký nhãn hiệu.
Cảnh quan môi trường nông thôn xanh sạch đẹp
Thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường và tiêu chí số 20 về xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu, các tổ chức chính trị xã hội đã vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường, xử lý rác thải, trồng cây xanh, lắp đặt hệ thống chiếu sáng tại các khu dân cư với các phong trào tiêu biểu như ngày thứ 7, chủ nhật xanh, “Thắp sáng đường quê”. Đường làng ngõ xóm tại các khu dân cư đã xanh, sạch đẹp, môi trường nông thôn được cải thiện đáng kể. Phong trào xây dựng nông thôn mới đã có sức lan tỏa sâu rộng đến từng gia đình, thôn, xóm, nhân dân tích cực tham gia hiến đất, làm đường, đóng góp ngày công lao động, chung sức tham gia thực hiện các tiêu chí của chương trình. Các xã đã có sự chủ động, có phương pháp, cách làm sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn vốn xây dựng nông thôn mới; Các thôn đã tạo ra phong trào thi đua sôi nổi xây dựng các khu dân cư kiểu mẫu, hộ gia đình kiểu mẫu, vườn mẫu. Sau 10 năm triển khai thực hiện chương trình, hiện nay toàn huyện đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đời sống vật chất, tinh thần của người dân đã có những chuyển biến, hạ tầng nông thôn khang trang, an ninh trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững, thu nhập và đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt. Nếu như năm 2010 thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn mới chỉ đạt trên 12 triệu đồng đến cuối năm 2018 đạt 31,92 triệu đồng (ước đến cuối năm 2019 đạt 37,27 triệu đồng). Tỷ lệ hộ nghèo từ 12,82% năm 2011 giảm xuống còn giảm còn 10,12 năm 2015 và giảm xuống còn 1,68% năm 2018. Hiện nay trung bình các xã đã đạt 18,1/20 tiêu chí, 49,4/53 chỉ tiêu, huyện có 6/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Một góc thôn Tân Hà xã Tân Bình
Năm 2019, huyện tiếp tục phấn đấu đưa 2 xã Quảng An và Quảng Lợi về đích nông thôn mới và xã Quảng Lâm sẽ hoàn thành chương trình vào năm 2020, hiện nay huyện Đầm Hà đang dồn lực để thực hiện mục tiêu này. Trong giai đoạn 2020 – 2025 huyện Đầm Hà sẽ phấn đấu có 6/9 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; 4/9 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu; 60/66 thôn đạt chuẩn nông thôn mới và 10 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu; toàn huyện có 1.000 vườn đạt chuẩn nông thôn mới; trên 80% số hộ đạt gia đình nông thôn mới kiểu mẫu, đồng thời sẽ nâng cao chất lượng môi trường sống; giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh phát triển sản xuất các sản phẩm chủ lực của địa phương, hình thành chuỗi giá trị sản xuất nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc gắn với phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ nhằm nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, văn hóa cho người dân.
Tuy còn những khó khăn nhất định song với những chủ trương chính sách đúng đắn và sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng của người dân, Đầm Hà sẽ nỗ lực phấn đấu có 9/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới, huyện trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2020.
Mai Thắm (Trung tâm TT&VH Đầm Hà)