Trong giai đoạn mới, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan của sự phát triển đối với tất cả các cấp, ngành, địa phương. Thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, huyện Đầm Hà đã có những triển khai cụ thể, xác định đây là nền tảng cho mục tiêu phát triển mới.
Rõ trọng tâm, tránh dàn trải
Năm 2022 là năm đầu tiên huyện Đầm Hà thực hiện chuyển đổi số toàn diện theo tinh thần Nghị quyết 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đây là một nhiệm vụ mới và khó, bởi đặt ra yêu cầu phải vừa kế thừa những kết quả đạt được của xây dựng chính quyền điện tử, dữ liệu số đã có, vừa phải đi đôi với đổi mới, sáng tạo, vận dụng phù hợp với đặc thù địa phương và yêu cầu từng ngành, lĩnh vực trong giai đoạn mới.
Tuy nhiên, huyện xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và tạo sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành của các cơ quan Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức CT-XH của huyện.
Huyện ủy Đầm Hà đã rất khẩn trương ban hành chương trình hành động, các kế hoạch cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện một cách đồng bộ, rõ trọng tâm, trọng điểm ngay từ bước đầu tiên. Cụ thể như: Tổ chức tuyên truyền, quán triệt nghị quyết về chuyển đổi số theo hình thức trực tuyến để chuyển tải thông tin tới từng chi, đảng bộ, CBCCVC và nhân dân; thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của cấp huyện và tại toàn bộ 9 xã, thị trấn, phân công người đứng đầu chính quyền các cấp đảm nhận vai trò trưởng ban…
Yêu cầu đặt ra là huy động sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu từng cơ quan, đơn vị, địa phương với tâm thế sẵn sàng, chủ động, quyết tâm cao nhất.
Huyện ủy Đầm Hà tổ chức hội nghị báo cáo viên cấp huyện quý III/2022 theo hình thức trực tuyến đến 9/9 xã, thị trấn tại địa phương.
Thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy, từ tháng 2/2022 đến nay, UBND huyện đã ban hành nhiều kế hoạch để đảm bảo triển khai từng nội dung công việc được hiệu quả, tránh tình trạng dàn trải, trùng lặp. Bao gồm: Thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử trên địa bàn huyện giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030; thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng; triển khai nền tảng địa chỉ số gắn với bản đồ số; yêu cầu 100% xã, thị trấn chủ động xây dựng kế hoạch triển khai chuyển đổi số tại địa phương mình để cụ thể hóa nhiệm vụ về cơ sở…
Đối với 24 mục tiêu đã được đề ra cho 3 lĩnh vực chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, huyện đã có chỉ đạo, giao trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị chủ trì tham mưu triển khai chủ đạo. Mọi vấn đề tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc đều được ghi nhận đầy đủ để có giải pháp khắc phục, tháo gỡ kịp thời.
Những kết quả bước đầu
Về phát triển chính quyền số tại Đầm Hà, có thể kể đến việc 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết cấp huyện, cấp xã hiện nay đều được cập nhật, số hóa quy trình giải quyết lên Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu một cửa điện tử để giải quyết trên môi trường mạng. Đã có trên 90% cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn được cấp phát sử dụng chữ ký số trong trao đổi văn bản điện tử; trên 90% chứng thư số cá nhân là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn, đã được cấp phát, sử dụng để ký các văn bản điện tử.
Qua đó, giúp đẩy mạnh triển khai thực hiện việc số hóa hồ sơ, giấy tờ ngay từ cấp xã, đảm bảo việc kết nối, chia sẻ dữ liệu trong giải quyết TTHC trên môi trường điện tử. Trung tâm Hành chính công huyện cũng đã bước đầu thực hiện được việc số hoá (scan) thành phần hồ sơ ngay từ bước tiếp nhận, từ đó tiếp tục luân chuyển hồ sơ trên môi trường mạng để giải quyết theo quy trình.
Cán bộ Trung tâm Hành chính công huyện Đầm Hà giải quyết TTHC của công dân trên môi trường mạng.
Nhiệm vụ triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử (Đề án 06 của Chính phủ) trên địa bàn do Công an huyện chủ trì thực hiện, đến nay đã có 2.200 công dân của Đầm Hà được cấp CCCD gắn chip đồng thời với cấp mã định danh điện tử; gần 2.600 trường hợp đã có thẻ CCCD gắn chip được cấp mã định danh điện tử bổ sung. Từ ngày 25/6 đến 10/7, Đội Cảnh sát QLHC về TTXH phối hợp với công an các xã, thị trấn của huyện tập trung 100% lực lượng, hoàn thành việc rà soát làm sạch dữ liệu dân cư, kịp thời chỉnh sửa hoàn thiện cho tất cả các trường hợp CCCD bị sai sót.
Lĩnh vực phát triển kinh tế số tại huyện Đầm Hà cũng có những kết quả bước đầu khá nổi bật. Trong đó, từ ngày 10/6 đã đưa vào triển khai biên lai điện tử, hóa đơn điện tử, dịch vụ thanh toán phí, lệ phí trong giải quyết TTHC đối với Trung tâm Hành chính công, Chi cục Thuế khu vực Đầm Hà – Hải Hà, Viễn thông Đầm Hà và UBND các xã, thị trấn. 100% doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh bán hành qua mạng đã triển khai sử dụng hóa đơn điện tử. BHXH huyện Đầm Hà cũng đẩy mạnh hơn việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID trên điện thoại thông minh. Thống kê đến nay, số lượt người tham gia bảo hiểm cài đặt thành công VssID đã đạt gần 24%.
Tổ lưu động của Công an huyện Đầm Hà cấp thẻ CCCD gắn chíp và mã định danh điện tử cho công dân. (Ảnh Công an huyện Đầm Hà cung cấp)
Tuy nhiên thực tế cho thấy, quá trình triển khai nhiệm vụ mới không tránh khỏi những hạn chế, vướng mắc ban đầu. Đơn cử như Trung tâm Hành chính công huyện mới chỉ có máy scan A4, thiếu máy scan A3, gây khó khăn trong việc số hóa toàn bộ hồ sơ; nguồn nhân lực về công nghệ thông tin tại các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn chủ yếu là kiêm nhiệm; trình độ, nhận thức, điều kiện của người dân còn hạn chế, nhất là ở địa bàn điều kiện KT-XH còn khó khăn… Việc nhìn nhận các khó khăn, hạn chế một cách thẳng thắn, kịp thời cũng là cách để huyện Đầm Hà tiếp tục đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, phù hợp cho thời gian tới, với tinh thần chuyển đổi số là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài.
Trong năm 2022, Quảng Ninh tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số ở một số lĩnh vực thiết yếu như: Y tế, giáo dục, công nghiệp, du lịch, GT-VT và logistics, cửa khẩu số. Cùng với đó, quyết tâm thực hiện mục tiêu 100% TTHC ban hành mới đạt dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 100% cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở, được trang bị cơ sở vật chất bảo đảm kỹ thuật, an toàn phục vụ chuyển đổi số; tối thiểu 50% doanh nghiệp trong các KCN ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh; 100% người dân có định danh điện tử và mỗi gia đình đều có địa chỉ số và kinh tế số chiếm ít nhất 30% tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh.
|