Trước tình hình dịch bệnh dại động vật đang có xu hướng phức tạp, huyện Đầm Hà đã tập trung chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại nhằm bảo vệ sức khỏe của người và vật nuôi.
Vừa qua, trên địa bàn xã Dực Yên đã ghi nhận 13 trường hợp bị chó nhiễm vi rút dại cắn, đã được chuyển đến Trung tâm Y tế huyện tiêm chủng vắc xin phòng bệnh dại.
Để chủ động phòng, chống bệnh dại, Huyện Đầm Hà đã ban hành Quyết định về công bố bệnh dại động vật tại xã Dực Yên. Đồng thời, ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan, các xã, thị trấn tiếp tục quán triệt ,chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của tỉnh và huyện về công tác phòng, chống bệnh dại; chuẩn bị đầy đủ vật tư, vắc xin phục vụ công tác phòng, chống dịch; thống kê chính xác số hộ nuôi và số chó, mèo ở từng hộ gia đình, từng khu dân cư; đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin dại cho đàn chó, mèo; hướng dẫn, yêu cầu các hộ nuôi chó, mèo thực hiện nghiêm việc khai báo, cam kết chấp hành việc nuôi nhốt chó, mèo không được thả rông, đảm bảo vệ sinh thú y, không để ảnh hưởng tới người xung quanh; triển khai công tác khoanh vùng, dập dịch, thực hiện tiêm phòng vắc xin dại cho 100% đàn chó, mèo nuôi tại xã Dực Yên; tổ chức thành lập các tổ công tác xử lý chó, mèo thả rông không đeo rọ mõm theo quy định; tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống bệnh Dại, sự nguy hiểm của bệnh dại, cách xử lý khi bị động vật nghi dại cắn để người dân biết và thực hiện phòng chống dịch bệnh theo quy định; phát hiện và thông báo kịp thời các trường hợp chó cắn người để lấy mẫu xét nghiệm vi rút Dại; khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp: Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm; không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo; khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch – đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn. Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine. Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương. Đến ngay Trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng Dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.
Tổ công tác phòng chống bệnh dại xã Dực Yên phối hợp tiêm vắc xin phòng dại cho đàn chó, mèo
Thanh Nga (Trung tâm TT&VH huyện Đầm Hà)