Đầm Hà có 31,92% dân số là người dân tộc thiểu số, trong đó người Dao Thanh Phán chiếm 17,1% họ thường sống ở các thôn, bản vùng cao, tập trung nhiều nhất ở các xã Quảng Lâm, Quảng An, Quảng Lợi. Người dân chủ yếu là cấy lúa, làm nương, chăn nuôi, trồng rừng… Những năm gần đây, từ việc được thụ hưởng các chương trình, dự án, chính sách của Nhà nước, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn không ngừng được nâng lên. Diện mạo các thôn, bản vùng sâu vùng xa ngày càng khởi sắc.
Người Dao Thanh Phán sinh sống ở Đầm Hà có những phong tục riêng trong đời sống cộng đồng, họ thường bịt răng vàng, trang phục phụ nữ khá cầu kỳ gồm có quần, áo, khăn (mũ) đội đầu, thắt lưng được thêu bằng chỉ thêu ngũ sắc. Không biết từ bao giờ họ lấy ngày 4/4 âm lịch làm ngày kiêng gió. Vào ngày này, người Dao Thanh Phán không ở nhà và không đi nương làm rẫy… tất cả mọi công việc gác lại để cùng nhau nghỉ ngơi, xuống phố huyện, đi chơi. Họ ra khỏi nhà từ sáng sớm và thường lựa chọn nhiều địa điểm để vui chơi trong ngày này đó là những nơi có bãi đất rộng, thoáng đãng, phong cảnh đẹp, chợ, quán ăn… có những năm họ còn thuê cả nhiều chuyến xe để đến chơi gặp gỡ với họ hàng cùng người Dao ở các huyện lân cận Bình Liêu, Hải Hà. Đặc biệt là ở chợ Đầm Hà, ngày 4/4 âm lịch năm nay, từ sáng sớm, các con đường xuống chợ đã rất đông người Dao với màu áo đỏ rực, chiếc mũ cao của chị em. Người Dao không chỉ đến chợ mua sắm mà còn đi chơi, gặp mặt, ăn uống, trò chuyện, bán những sản vật địa phương, hát những làn điệu Sán cố… sau một ngày vui chơi, hò hẹn tới xẩm tối người Dao mới trở về nhà, họ tin rằng gió đã vào nhà mang đi những rủi ro, muộn phiền và đem vào nhà họ những điều may mắn tốt lành.
Chùm ảnh: Người Dao xuống chợ vui chơi ngày kiêng gió
Hát điệu sán cố
Bán sản vật địa phương
Đức Huệ (TTVH)