Huyện Đầm Hà nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh, cách thành phố Hạ Long 120 km, phía Tây Bắc giáp huyện Bình Liêu, phía Đông Bắc giáp huyện Hải Hà, phía Tây Nam giáp huyện Tiên Yên; 20 năm về trước, khi đó huyện còn chưa có Ngân hàng chính sách xã hội, Đầm Hà được biết đến là một vùng đất nghèo khó, huyện có tới 3 xã vùng 135, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện chiếm trên 30%; phần lớn cuộc sống, mưu sinh của người dân phụ thuộc vào sản xuất nông – lâm nghiệp, chăn nuôi, đánh bắt hải sản ven biển và buôn bán nhỏ lẻ, nên tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao, kéo theo đó là các điều kiện về ăn, ở, vệ sinh môi trường, dân trí… còn ở mức thấp, những người dân nghèo dù muốn phát triển kinh tế cũng gặp rất nhiều khó khăn do thiếu đồng vốn.
Năm 2002, Nghị định số 78/2002/NĐ – CP của Chính phủ ra đời và đi vào cuộc sống, đây được coi là một “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo của Việt Nam. Để triển khai thực hiện Nghị định này, Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện Đầm Hà; Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đầm Hà đã được thành lập đi vào hoạt động, trải qua nhiều khó khăn thách thức, bằng sự nỗ lực vươn lên không ngừng, được sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy – HĐND – UBND huyện, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức hội, đoàn thể, qua 20 năm thực hiện Nghị định số 78 /2002/NĐ – CP trên địa bàn huyện Đầm Hà đã đạt được nhiều kết quả nổi bật; nguồn vốn tín dụng chính sách của Chính phủ, của tỉnh, huyện, đã được NHCSXH huyện truyền tải đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần không nhỏ giúp đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trên địa bàn huyện ngày càng được nâng lên, thực hiện thắng lợi mục tiêu tạo việc làm, giảm nghèo nhanh, bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước, Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo NHCSXH huyện thực hiện các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, chấp hành các thủ tục, quy trình nghiệp vụ. Cùng với đó Ngân hàng CSXH huyện tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, xây dựng bộ máy tinh gọn, cán bộ giỏi về chuyên nghiệp vụ, có ý thức tổ chức kỷ luật cao, với phương trâm “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”. Công tác thông tin, tuyên truyền về các chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Nhà nước, được quan tâm đẩy mạnh dưới nhiều hình thức như qua các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các tổ chức hội, đoàn thể, từ huyện tới xã, chi hội; quy trình, thủ tục vay vốn được niêm yết công khai tại NHCSXH và điểm giao dịch tại các xã thị trấn, qua đó người dân nắm bắt được thông tin, tiếp cận kịp thời các nguồn vốn vay.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, thị trấn, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được vay vốn một cách thuận lợi, kịp thời. Thông qua các chương trình tín dụng như cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay hỗ trợ tạo việc làm, cho vay hộ nghèo về nhà ở, hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, cho vay đối với đồng bào dân tộc thiểu số; cho vay mua nhà, thuê nhà ở xã hội; nước sạch và vệ sinh môi trường; phát triển hợp tác xã vv….qua đó giúp cho 14.503 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn, góp phần giúp cho trên 6.055 hộ thoát nghèo, thu hút tạo việc làm cho trên 3.376 lao động, giúp cho 2.795 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, không để học sinh sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính, hỗ trợ xây mới và cải tạo 8.023 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 567 ngôi nhà cho hộ nghèo… qua đó giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, là động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo, cải thiện các điều kiện về nhà ở, vệ sinh môi trường nâng cao chất lượng cuộc sống.
Quy trình thủy tục vay vốn được niêm yết công khai
Để quản lý hiệu quả ngồn vốn vay, NHCSXH huyện đã phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể như hội LHPN, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh, Đoàn thanh niên thực hiện phương thức cho vay ủy thác, thông qua 109 Tổ TK&VV, qua đó rà soát, nắm bắt được nhu cầu, đối tượng vay vốn, thực hiện bình xét hộ vay theo nguyên tắc dân chủ, công khai, vốn được giải ngân trực tiếp đến người vay, đồng thời các tổ chức hội, đoàn thể quản lý, giám sát, hướng dẫn quá trình sử dụng vốn vay của các hộ gia đình, tư vấn cách nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn. Tính đến ngày 30/6/2022, tổng dư nợ ủy thác cho vay qua 4 tổ chức chính trị – xã hội của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đầm Hà là 265.108 triệu đồng với 3.847 khách hàng đang vay vốn, chiếm tỷ trọng 99,38% trên tổng dư nợ tín dụng chính sách đang triển khai tại đơn vị. Từ nguồn vốn ưu đãi này hộ nghèo, hộ gia đình khó khăn trên địa bàn huyện có điều kiện để phát triển kinh tế hộ gia đình, đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản, tạo việc làm tăng thu nhập.
Hoạt động giao dịch tại xã tạo nhiều thuận lợi cho khách hàng
Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao dịch của khách hàng, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho nhân dân, Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã triển khai mạng lưới lưu động, với 9 điểm giao dịch tại 9 xã thị trấn trên địa bàn huyện. Tại đây các chính sách tín dụng ưu đãi và quy trình thủ tục vốn vay được niêm yết công khai, khách hàng giao dịch trực tiếp với ngân hàng để nhận tiền vay, trả nợ, gửi tiền tiết kiệm. Hoạt động giao dịch tại xã là giải pháp quan trọng giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn xã tiếp cận vốn vay tại cơ sở tiện lợi, dễ dàng và tiết kiệm chi phí đi lại cho khách hàng.
Nhờ được vay vốn từ NHCSXH gia đình chị Phạm Thị Toàn đã vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống thay đổi đi lên
Chị Phạm Thị Toàn ở thôn Làng Ngang xã Quảng An chia sẻ “ trước đây gia đình chị thuộc diện hộ nghèo của xã Quảng An, kinh tế gia đình nhiều khó khăn, muốn vươn lên thoát nghèo nhưng thiếu vốn nên làm gì cũng khó, năm 2014 được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho vay 30 triệu đồng, chị đã mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại và nuôi trâu sinh sản, nhờ cần cù chịu khó, sau 2 năm chăm sóc, trâu đã sinh sản lứa đầu tiên, từ nuôi trâu sinh sản mỗi năm gia đình chị cũng thu về 20 triệu đồng, không chỉ có tiền trả ngân hàng mà cuộc sống gia đình chị được cải thiện đáng kể. Tháng 6/2016 chị tiếp tục được tạo điều kiện cho vay vốn hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo có đời sống khó khăn với số tiền 15.000.000 đồng để đầu tư mua máy cày, cải thiện năng suất lao động, từ đó kinh tế gia đình ngày một đi lên. Cũng trong năm 2016, được thụ hưởng chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, gia đình chị đã vay vốn với tổng số tiền 50 triệu đồng cùng nguồn vốn tự có của gia đình xây dựng được 1 căn nhà khang trang, rộng rãi hơn giúp sinh hoạt của gia đình có nhiều thay đổi đi lên”.
Lãnh đạo NHCSXH huyện thăm mô hình trồng dưa trong nhà màng của HTX hữu cơ Thành Đạt
Anh Trương Thế Đô ở xã Đại Bình cho biết: trước đây gia đình anh chủ yếu là nuôi và phát triển ngan sao Đại Bình, thời gian gần đây nhận thấy thị trường đang ưa chộng các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ sạch, anh Đô đã tìm hiểu, nghiên cứu và quyết định đầu tư xây dựng khu trồng dưa lưới công nghệ cao. Năm 2019, anh đầu tư khu nhà màng với diện tích trên 1.000 m2 trồng dưa lưới, thấy được hiệu quả hướng đi này anh vận động các hộ gia đình thành lập HTX sản xuất hữu cơ Thành Đạt, được NHCS XH huyện cho vay vốn, HTX Thành Đạt đã đầu tư thêm nhà màng, mở rộng diện tích trồng dưa lên đến 7.000 m2, trồng dưa lưới trong nhà màng đang là hướng đi phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao cho HTX.
20 năm qua Ngân hàng chính sách xã hội huyện Đầm Hà đã giúp hàng ngàn hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng 135 có vốn để phát triển kinh tế, xóa nghèo. Từ 2 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu là 5.371 triệu đồng, NHCSXH huyện đã và đang triển khai cho vay 15 chương trình tín dụng chính sách, với tổng dư nợ 266.747 triệu đồng, tăng gấp 49 lần so với dư nợ khi thành lập, với 5.300 khách hàng đang vay vốn, tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm là 22,8% với 5.300 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang vay vốn, dư nợ bình quân là 50,3 triệu đồng/khách hàng, tăng 48 triệu đồng/khách hàng so với khi thành lập, trong đó, dư nợ bình quân chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là 65 triệu đồng/hộ. Cùng với hoạt động cho vay,NHCSXH huyện đã và đang tập trung huy động các nguồn lực tài chính đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách, tính đến ngày 30/6 nguồn vốn huy động từ dân cư, tổ chức kinh tế là 39.861 triệu đồng, nguồn tiền gửi của Tổ viên Tổ TK&VV là 15.588 triệu đồng. Công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện các chính sách tín dụng được chú trọng, tăng cường, vốn được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, dư nợ tăng trưởng mạnh, tỷ lệ thu nợ hàng năm đạt cao, từ đó tăng cường nguồn vốn quay vòng góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Thành quả đạt được trong 20 năm qua đã khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo sát sao cấp ủy, chính quyền từ huyện tới cơ sở, sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ cán bộ làm công tác tín dụng chính sách trên địa bàn, tín dụng chính sách góp phần quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của huyện nhà. Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Ngân hàng CSXH huyện sẽ tiếp tục đổi mới, phát triển hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn theo hướng ổn định và bền vững, phục vụ tốt hơn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, bảo đảm 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đủ điều kiện, có nhu cầu đều được vay vốn, qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng huyện nhà ngày càng phát triển giàu mạnh.
Mai Thắm – Quốc Nghị (Trung tâm TT&VH)