Ngày 21/7, Huyện ủy Đầm Hà đã tổ chức buổi làm việc để nghe báo cáo kết quả tiếp thu, hoàn thiện Đề án phát triển sản xuất cây ăn quả tập trung tại huyện Đầm Hà, giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến 2030. Dự buổi làm việc có lãnh đạo Sở và các Phòng chuyên môn thuộc Sở Nông Nghiệp và phát triển Nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh; Các đồng chí lãnh đạo Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện và 1 số các cơ quan đơn vị liên quan.
Những năm gần đây, nghề trồng cây ăn quả đã góp phần vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi mùa vụ, làm tăng giá trị sử dụng đất, tăng thu nhập cho hộ nông dân, đời sống nhân dân được nâng cao, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn. Đặc biệt trong tương lai gần ngành trồng cây ăn quả là một trong những ngành sản xuất hàng hoá lớn và có giá trị xuất khẩu cao. Huyện Đầm Hà tổ chức lại sản xuất, hình thành các vùng sản xuất cây ăn quả chủ lực tập trung; đẩy mạnh ứng dụng quy trình sản xuất an toàn và rải vụ thu hoạch; tạo liên kết đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả cao giữa sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Vùng sản xuất cây ăn quả chủ lực tập trung gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Huy động được các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển cây ăn quả chủ lực. Lựa chọn 04 cây chủ lực phát triển tại huyện Đầm Hà: Cây na QN-D1, cây bưởi, cây chanh leo, cây mít.
Đại diện phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Đầm Hà phát biểu
Tại buổi làm việc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành có liên quan đã có những ý kiến đóng góp, hướng dẫn thực hiện các nội dung của đề án phát triển cây ăn quả giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030; trọng tâm là giải pháp về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích tụ đất đai để tổ chức sản xuất tập trung, xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất cây ăn quả.
Đồng chí Đỗ Thị Ninh Hường – TUV, Bí thư Huyện ủy kết luận tại cuộc làm việc
Thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với phát triển cây ăn quả bao gồm: xây dựng trình phê duyệt mục tiêu, chỉ tiêu phát triển cây ăn quả hàng năm, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, giám sát quá trình thực hiện, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật thâm canh, tăng cường công tác quản lý nhà nước về chất lượng giống cây ăn quả, chất lượng vật tư nông nghiệp; chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; Phối hợp các ngành, các địa phương tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường và mời gọi các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, chế biến tiêu thụ cây ăn quả; Lựa chọn, xây dựng, công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh ưu tiên các sản phẩm cây ăn quả trên địa bàn huyện Đầm Hà.
Thu Hiền (Trung tâm TT-VH)