Ngày 16/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị nghe và cho ý kiến về việc xin chủ trương phương án sắp xếp, sáp nhập, đổi tên thôn, bản khu phố và ban hành chính sách hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, khu phố chịu tác động do sắp xếp, sáp nhập thôn, bản, khu phố trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì hội nghị.
Dự họp tại điểm cầu huyện Đầm Hà có các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, lãnh đạo UBND huyện; lãnh đạo các đơn vị liên quan.
Theo rà soát, toàn tỉnh có 1.543 thôn, bản, khu phố. Trong đó có 177 thôn, bản, khu phố đạt dưới 50% tiêu chuẩn (quy mô một số hộ gia đình) thuộc diện phải sắp xếp; 405 thôn, bản, khu phố đạt từ 50% đến dưới 100% tiêu chuẩn; 961 thôn, bản, khu phố đạt từ 100% tiêu chuẩn trở lên. Căn cứ quy định của Trung ương, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương rà soát, đề xuất phương án sắp xếp, sáp nhập các thôn, bản, khu phố chưa đạt 50% tiêu chuẩn. Đến nay, các địa phương đã triển khai các quy trình, thủ tục đảm bảo theo đúng quy định như xây dựng đề án; tổ chức lấy ý kiến nhân dân nơi cư trú tại các thôn, bản, khu phố…
Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến các địa phương
Cho ý kiến về nội dung này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và Ban Thường vụ các huyện, thị, thành ủy bám sát quy định, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, tiếp tục chỉ đạo, rà soát chặt chẽ, cụ thể với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, chặt chẽ để lập danh sách chính thức cũng như số lượng các thôn, bản, khu phố đề nghị sáp nhập để UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh xem xét, quyết nghị. Việc sắp xếp, sáp nhập trên cơ sở đảm bảo không chia tách các thôn, bản, khu phố đang hoạt động ổn định. Quá trình sáp nhập phải tính toán kỹ điều kiện, đặc điểm, đặc thù của từng địa phương, đơn vị, nhất là ở những nơi có đồng bào dân tộc sinh sống gắn kết nhiều đời trên cùng 1 địa bàn. Mục tiêu lấy sự ổn định là cao nhất, nhân dân được hưởng lợi nhiều hơn, thuận tiện hơn và quan trọng là phải tạo được sự đồng thuận cao nhất trong nhân dân, cán bộ, đảng viên, trong tập thể lãnh đạo địa phương ở cả cấp xã và cấp huyện. Đồng thời, hướng đến xây dựng cộng đồng tự quản; nhân dân các dân tộc đoàn kết, phấn khởi và công tác quản lý điều hành của chính quyền địa phương gắn với cánh tay nối dài ở thôn, bản, khu được thuận lợi hơn, tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển KT-XH, quản trị địa phương trong phòng, chống dịch bệnh và nhất là đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Tin: theo Báo Quảng Ninh Ảnh: Thanh Nga (Trung tâm TT&VH)