Ngày 20/3/2019, Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh do đồng chí Đỗ Thị Lan – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012 – 2018 tại huyện Đầm Hà. Dự có đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà – TUV, Bí thư Huyện ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND huyện.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012 – 2018, cấp ủy Đảng, chính quyền trong huyện đã quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất, giáo dục – đào tạo, dạy nghề, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; hỗ trợ nâng cao năng lực giảm nghèo, truyền thông và giám sát đánh giá thực hiện giảm nghèo; hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ỏ nước ngoài và tại các khu công nghiệp, các doanh nghiệp.
Đồng chí Lê Bình Phượng, Phó chủ tịch UBND huyện báo cáo việc thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo
Tổng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương, địa phương và các nguồn vốn khác để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng DTTS, MN giai đoạn 2012 – 2018 tại huyện Đầm Hà là hơn 143 tỷ 211 triệu đồng. Tổng nguồn vốn hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn là hơn 121 tỷ đồng, nguồn vốn hỗ trợ sản xuất là 19 tỷ 148,3 triệu đồng. Tình hình kinh tế của huyện có bước phát triển, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 1,68%, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên và lao động qua đào tạo đạt cao…
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, TUV, Bí thư Huyện ủy phát biểu tại buổi giám sát
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật về công tác giảm nghèo bền vững trong thời gian tới, huyện kiến nghị với Chính phủ và các Bộ, ngành có chính sách cụ thể để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản tạo điều kiện phát triển nông thôn để nâng cao thu nhập cho người dân nhất là đồng bào dân tộc thiểu số; phân loại cụ thể những đối tượng nghèo để có phương án giúp đỡ, hỗ trợ các hộ thoát nghèo, có phân vùng để hỗ trợ cho phù hợp; Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành cần thống nhất các biểu mẫu và các tiêu chí đánh giá cụ thể về công tác dân tộc để công tác quản lý Nhà sát với thực tế. Huyện cũng mong muốn tỉnh tiếp tục tập trung đầu tư cho các xã, thôn bản thuộc diện đặc biệt khó khăn, các xã vùng khó khăn phát triển kinh tế – xã hội để giảm nghèo bền vững.
Đồng chí Đỗ Thị Lan, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh kết luận buổi giám sát
Phát biểu kết luận tại buổi giám sát, đồng chí Đỗ Thị Lan – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đánh giá cao sự vào cuộc trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân huyện Đầm Hà trong công tác giảm nghèo bền vững và kết quả đạt được trong thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo bền vững của huyện, giai đoạn 2012 – 2018. Đồng chí đề nghị, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện Đầm Hà cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công tác giảm nghèo bền vững, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cơ bản và xuyên suốt trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội. Quan tâm rà soát lại các tiêu chí, chỉ tiêu giảm nghèo, chương trình 135, đặc biệt là các tiêu chí còn thiếu hụt để phấn đấu hoàn thành; tập trung phát triển sản xuất gắn với phát triển kinh tế để giảm nghèo bền vững. Quản lý tốt các công trình hạ tầng đã được đầu tư để phát huy hết hiệu quả sử dụng; quy hoạch phát triển sản xuất tập trung gắn với phát triển kinh tế rừng; thực hiện tốt chính sách giải quyết việc làm cho các hộ là đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng khó khăn.
Quốc Nghị – trung tâm TT&VH Đầm Hà