Đầm Hà là huyện nằm giữa khu vực miền Đông của tỉnh, có địa hình đồi núi thấp, tương đối bằng phẳng, thích hợp để phát triển trồng cây ăn quả tập trung. Với tinh thần chủ động, mạnh dạn trong đổi mới phương thức sản xuất, trên địa bàn huyện Đầm Hà có nhiều mô hình trồng cây ăn quả tập trung, có quy mô lớn, đem lại thu nhập cao cho người nông dân. Qua đó, từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa Đầm Hà sớm trở thành vùng trọng điểm sản xuất, chế biến, cung cấp nông sản của tỉnh.
Những năm qua huyện Đầm Hà đã khuyến khích người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, chuyển đổi những điện tích vườn tạp kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, hướng đến sản xuất tập trung quy mô lớn. Hiện nay, diện tích cây ăn quả của huyện đạt 174 ha, sản lượng năm 2020 ước đạt 1.847 tấn. Phân bổ cây ăn quả tập trung lớn chủ yếu tại các xã: Dực Yên, Tân Bình và Quảng Tân. Đã hình thành một số vùng cây ăn quả tập trung như vùng trồng Nhãn, Vải, Ổi, Cam, quýt, Dưa lưới… cho năng suất cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của huyện. Cây ăn quả đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất. Năm 2020 giá trị sản xuất từ cây ăn quả ước đạt 36.940 triệu đồng, chiếm 16,7% tổng giá trị sản xuất của ngành trồng trọt. Giá trị sản xuất cây ăn quả đạt 200 – 250 triệu đồng/ ha cao hơn nhiều lần so với các cây trồng khác (như cây lúa, hoa màu, keo).
Công ty Cổ phần Thương mại và Xây dựng Đầm Hà là doanh nghiệp đã thành công trong việc ứng dụng công nghệ cao trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Từ năm Năm 2017, Công ty đã thuê 5 ha đất của bà con nông dân thôn Tân Thanh xã Quảng Tân và đầu tư hơn 10 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, lắp đặt nhà màng, triển khai trồng dưa chuột, dưa lưới theo công nghệ Israel. Được trồng theo quy trình viet gap, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm từ sản xuất tới tiêu dùng, sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, trung bình mỗi năm Công ty cung cấp trên 250 tấn dưa các loại cho các cửa hàng siêu thị tại Đầm Hà và Hạ Long. Hiện nay Công ty tiếp tục mở rộng sản xuất, đưa các giống dưa mới có giá trị kinh tế cao vào trồng như dưa lê Hàn Quốc, dưa sữa Nhật, trồng rau xanh các loại, giải quyết việc làm cho nhiều công nhân ngay tại địa phương. Ông Nguyễn Hữu Nhượng, giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và Xây dựng Đầm Hà cho biết “Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, Công ty ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nhằm tạo ra các sản phẩm sạch, chất lượng, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, chúng tôi mong muốn lan tỏa mô hình này đến nhiều hơn các hộ nông dân trên địa bàn huyện, tạo ra vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu về nông sản của huyện nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung”.
Trồng dưa lưới trong nhà màng của Công ty CP Thương mại và Xây dựng Đầm Hà
Không chỉ có các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển sản xuất nông nghiệp, tại huyện Đầm Hà nhiều nông dân đã mạnh dạn, dám nghĩ dám làm, cải tạo diện tích đất vườn tạp, trồng cây ăn quả với diện tích lớn. Tiêu biểu như như gia đình anh Đặng Văn Tiến thôn Đồng Tâm xã Dực Yên, anh tiến chia sẻ “ tận dụng diện tích đất vườn rộng, gia đình tôi trồng trên 600 gốc thanh long ruột đỏ, giống cây này thích hợp với đất đai, khí hậu của địa phương, nên phát triển tốt, mỗi năm vườn thanh long cho thu hoạch trên 10 tấn quả, với giá bán từ 20 – 35.000 đ/kg, hiện tại tôi đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng thêm một số cây như bưởi, mít thái, nâng cao thu nhập cho gia đình”
Tuy nhiên, diện tích trồng cây ăn quả của huyện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương, trong khi đó diện tích đất nông nghiệp toàn huyện tương đối lớn, với 25.665,8 ha, chiếm tỷ lệ 78,4%, đất đai màu mỡ, có tầng canh tác dày. Giá trị canh tác của một số cây trồng như cây hoa màu chỉ đạt khoảng trên 50 triệu đồng/ ha, trồng keo chỉ đạt bình quân 10 triệu đồng/ha/năm, vì vậy việc chuyển đổi sang phát triển cây ăn quả là rất cần thiết. Bên cạnh đó, huyện có vị trí địa lý, hệ thống giao thông thuận lợi, có đường quốc lộ 18A và tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái đi qua thuận lợi kết nối các vùng miền trong và ngoài tỉnh.
Bám sát các chủ chương, chính sách phát triển kinh tế xã hội tỉnh Quảng Ninh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Đầm Hà đã xây dựng Đề án phát triển vùng trồng cây ăn quả tập trung đến năm 2030. Trong đó, huyện Đầm Hà đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, diện tích cây ăn quả toàn huyện đạt khoảng 1.100 ha; sản lượng quả các loại ước đạt 16.500 tấn. Đến năm 2030 toàn huyện phấn đấu có trên 2.000 ha cây ăn quả tập trung, sản lượng đạt 40.000 tấn/năm. Giá trị sản xuất quả các loại tăng từ 6 – 8%/năm, đưa tỷ trọng giá trị quả trong ngành trồng trọt chiếm trên 25% vào năm 2025 và chiếm tỷ trọng 40% giá trị ngành trồng trọt vào năm 2030. Giá trị sản xuất trên 01 ha trồng cây ăn quả đạt trên 200 triệu đồng/ha/năm. Vùng trồng cây ăn quả của huyện được xây dựng theo hướng chuyên canh, gắn kết chặt chẽ sản xuất với công nghiệp bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ; liên kết các huyện trong tỉnh đảm bảo nguyên liệu cho nhà máy chế biến quả đạt trên 100 tấn quả tươi/ngày; 36.000 tấn/năm. Sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm từ hoa quả đáp ứng các tiêu chuẩn cho xuất khẩu.
Với tiềm năng lợi thế về đất đai, huyện Đầm Hà đang nỗ lực phấn đấu trở thành vùng trọng điểm trong phát triển diện tích cây ăn quả tập trung, hướng tới phát triển kinh tế bền vững, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân xây dựng huyện Đầm Hà ngày càng phát triển.
Mai Thắm (Trung tâm TT&VH)