Ngày 9/6, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021 cùng nhiều nội dung quan trọng khác. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì hội nghị.
Thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2021, bên cạnh những thuận lợi về thực hiện thành công “mục tiêu kép” năm 2020, tỉnh Quảng Ninh cũng phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới, khu vực, nhất là trong nước khi đợt dịch thứ 3, thứ 4 bùng phát trên diện rộng, với số ca mắc mới tăng cao.
Với phương châm, nguyên tắc “3 trước”, “4 tại chỗ”, tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở, “lấy người dân, người lao động làm trung tâm, là chủ thể chính trong phòng, chống dịch”, tỉnh đã vận hành cao nhất cơ chế trong phòng, chống dịch Covid-19 ở tất cả các cấp, ngành, địa phương với các kịch bản, quy trình phòng, chống dịch phù hợp với tình hình mới; chủ động ứng phó có hiệu quả với các tình huống nảy sinh. Cách làm sáng tạo, khoa học, thực tiễn đã giúp tỉnh Quảng Ninh kiên cường vượt qua đợt dịch thứ 3 và đợt dịch thứ 4, tiếp tục giữ vững địa bàn an toàn, chăm lo và bảo vệ tốt nhất sức khỏe nhân dân. Đặc biệt, tạo điều kiện để tỉnh tập trung chỉ đạo chuẩn bị, tổ chức thành công trên mọi phương diện cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 đảm bảo dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân. Tỷ lệ cử tri đi bầu cử đạt 99,95%, cao nhất trong 4 kỳ bầu cử gần đây.
Cùng với việc giữ được địa bàn an toàn, tỉnh Quảng Ninh cũng kiên định mục tiêu, quyết tâm, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo các biện pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giữ đà tăng trưởng trong trạng thái bình thường mới, bảo đảm đời sống nhân dân.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6 tháng đầu năm 2021 của tỉnh tăng 8,02%, cao hơn so với cùng kỳ 2,32%, đứng thứ 4 so với các tỉnh, thành trong Vùng đồng bằng Sông Hồng và là 1 trong số các địa phương có mức tăng trưởng cao nhất cả nước. Trong đó, dù ngành khai khoáng tăng trưởng âm do ngành than gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ vì nhu cầu than trong nước và nhập khẩu đều giảm; khu vực du lịch, dịch vụ cũng chưa kịp phục hồi do tác động của 2 đợt dịch nhưng bù lại ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có bước phát triển đột phá, với mức tăng trưởng tăng 38,95% so cùng kỳ, vượt 17,6 điểm % kịch bản, vượt 25,38 điểm % với tốc độ tăng cùng kỳ. Ngoài ra, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,02%, tăng 0,28 điểm % so với kịch bản. Thu NSNN ước đạt 22.868 tỷ đồng, bằng 45% dự toán, bằng 96% kịch bản, trong đó thu nội địa ước đạt 46% dự toán, tăng 2,9% kịch bản; tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 39.267 tỷ đồng, đạt 100% kịch bản. Những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm đã đưa Quảng Ninh trở thành địa phương điển hình về thực hiện thành công “mục tiêu kép”
Thảo luận tại hội nghị, các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy thống nhất nhận định rằng những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm rất đáng khích lệ. Thành quả đó thể hiện sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân trong tỉnh, trong đó có sự đóng góp rất lớn của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh.
Để hoàn thành “mục tiêu kép”, chủ đề công tác năm và phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu đề ra trong năm 2021, các đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy cũng chỉ ra những hạn chế, thách thức, tác động của dịch bệnh Covid-19 tới các ngành kinh tế-xã hội của tỉnh, nhất là trong bối cảnh Quảng Ninh là địa bàn trọng điểm về du lịch, dịch vụ đòi hỏi phải giữ vững địa bàn an toàn để phục hồi ngành du lịch, dịch vụ nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh đang gặp rất nhiều khó khăn. Trên cơ sở đó, yêu cầu các ngành, địa phương phải tiếp tục có đánh giá về các tác động tới việc làm, đời sống của người lao động trong các khu vực dịch vụ, những khó khăn của hộ, cá nhân kinh doanh trong khu vực du lịch dịch vụ trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 để có những giải pháp cụ thể. Đồng thời, phải xác định các giải pháp để đảm bảo sức sản xuất của ngành than, của các KCN, cụm công nghiệp.
Nhiều đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy cũng đề nghị phải có giải pháp quyết liệt hơn trong rà soát các dự án có sử dụng đất, quyết liệt hơn trong thanh tra, kiểm tra, giám sát các dự án sử dụng đất để đảm bảo sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn lực đất đai. Kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ có sai phạm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đảm bảo bình đẳng giữa các nhà đầu tư trong, ngoài nước.
Đại biểu dự họp qua đường truyền trực tuyến
Cũng trong ngày, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng cho ý kiến báo cáo tình hình triển khai lập quy hoạch sử đụng đất thời kỳ 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch sử dụng đất năm 2021. Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất cho rằng, đất đai là tài nguyên đặc biệt của Quốc gia và là nguồn lực quan trọng để phát triển, trong khi ngày càng khan hiếm. Vì vậy, việc triển khai lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là rất quan trọng để phục vụ yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn tới. Đây cũng là cơ sở dữ liệu nền tảng để tỉnh thực hiện lập quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Các đồng chí Thường trực Huyện ủy, HĐND, lãnh đạo UBND huyện Đầm Hà dự họp trực tuyến với Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phương án phân bổ, khoanh vùng đất đai_ kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2025
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan và các địa phương tập trung thực hiện tốt nội dung này. Trong đó, Chủ tịch UBND cấp xã, cấp huyện chịu trách nhiệm về số liệu thống kê từ địa bàn của mình đảm bảo chính xác, tin cậy, khách quan. Sở Tài nguyên Môi trường tổng hợp chung, chịu trách nhiệm thẩm định trước khi trình UBND tỉnh. Sở tiếp tục rà soát kỹ hiện trạng, nhất là trên thực địa liên quan tới đất lúa, đất rừng, phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất, đất có khoáng sản và lâm nghiệp, mặt nước… đảm bảo độ chính xác cả trong hồ sơ và trên thực địa. Hạn chế thấp nhất việc đề xuất chuyển đổi đất lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng sang mục đích khác, đảm bảo sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả theo đúng kế hoạch, quy hoạch.
Đồng thời, phải đảm bảo tạo thuận lợi nhất cho việc triển khai các nhiệm vụ phát triển KT-XH cả trước mắt và lâu dài theo hướng phát triển bền vững gắn với tăng trưởng xanh, đặc biệt là đảm bảo đón đầu được các dự án đầu tư gắn với hai hành lang giao thông, hình thành hành lang kinh tế, đô thị của tuyến phía Đông và phía Tây. Riêng về mỏ đá, quan điểm tới năm 2025, tỉnh quyết tâm không còn mỏ đá nào hoạt động để đảm bảo môi trường, cảnh quan.
Cũng tại buổi làm việc, BTV Tỉnh ủy nghe Đảng đoàn HĐND tỉnh báo cáo về nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 1 của HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 – 2026, dự kiến diễn ra vào ngày 18/6 tại Trung tâm Tổ chức Hội nghị tỉnh. Tại hội nghị lần này, ngoài nghe các báo cáo về kết quả bầu cử và trình bày Nghị quyết về xác nhận tư cách đại biểu HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 – 2026, các đại biểu sẽ tiến hành bầu các chức danh thuộc thẩm quyền HĐND; quyết định thông qua Kế hoạch tổ chức các kỳ họp thường lệ năm 2021.
Ảnh Mai Thắm (tin theo Báo Quảng Ninh)