Chủ đề công tác năm 2020: "Huyện Đầm Hà tự hào tiến bước dưới cờ Đảng" - Chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2020)

THỰC TRẠNG VĂN HÓA ĐỌC VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ NGÀY SÁCH VIỆT NAM ( 21/4 )

Trong cuộc sống thường nhật, đời sống tinh thần của mỗi chúng ta, sách được coi là chiếc chìa khóa vạn năng,  mở ra lâu đài trí tuệ và tâm hồn con người; Sách vừa là bạn, vừa  là người thầy siêu việt, thắp sáng trong ta nguồn tri thức vô tận, dạy chúng ta biết sống, biết suy nghĩ , chia sẻ và biết hy sinh. Sách còn là người bạn tâm giao chia sẻ mọi nỗi vui, buồn sâu kín của mỗi con người, và Đọc sách từ lâu đã trở thành một nhu cầu cần thiết của xã hội loài người trên thế giới. Ngày nay đọc sách không chỉ dừng lại là nhu cầu của mỗi người mà nó còn mang một ý nghĩa vô cùng bình dị; với tinh thần đề cao tầm quan trọng của sách báo và tri thức trong đời sống, sự kiện ngày đọc sách thế giới ở Việt Nam trở thành một nét sinh hoạt văn hoá, văn minh của những người yêu mến sách, báo… Chính vì thế  chúng ta cần phải duy trì và quan tâm để nếp sinh hoạt đó trở thành nhu cầu không thể thiếu của tất cả mọi người trong thời đại văn minh ngày nay đó chính là: “ Văn Hóa Đọc”.

Chúng ta biết rằng để đáp ứng nhu cầu thông tin đến với xã hội và nền kinh tế tri thức trong thời đại 4.0 , đặc biệt khi chúng ta đang nỗ lực để xây dựng và phát triển một xã hội học tập, một xã hội phát triển bền vững, thì đi đôi với nó phải là phát triển một nền văn hóa đọc Việt Nam hiện đại. Vậy văn hóa đọc là gì? Những mặt tích cực, Hạn chế của việc phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam ra sao? Ý nghĩa của ngày sách được bắt nguồn từ đâu? Được tôn vinh thế nào? Nhân dịp kỷ niệm ngày Sách Việt Nam 21/4, chúng ta cùng tìm hiểu, suy ngẫm và chia sẻ đôi điều về  “ Thực trạng văn hóa đọc và ý nghĩa lịch sử của ngày sách Việt Nam 21/4”

Trước hết hãy cùng hiểu; Văn hoá đọc theo nghĩa rộng đó là ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc và sự đam mê đọc của mỗi cá nhân, của cộng đồng xã hội và của các nhà quản lý , các cơ quan quản lý nhà nước. Như vậy, văn hoá đọc là sự hợp thành của ba yếu tố ( Cá nhân, cộng đồng xã hội và các nhà quản lý, các cơ quan quản lý nhà nước). Còn ở nghĩa hẹp, đó là ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân. Ứng xử, giá trị và chuẩn mực này cũng gồm ba thành phần: ( thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc).

Muốn phát triển nền văn hoá đọc phải phát triển ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc lành mạnh của các nhà quản lý và cơ quan quản lý nhà nước, của cộng đồng xã hội và của mỗi cá nhân trong xã hội. Đó chính là mục đích của văn hóa đọc và là nền tảng của một xã hội học tập, của việc học suốt đời, một yêu cầu cũng là một thách thức của xã hội hiện đại mà ngày nay Đảng ta, Nhà nước ta đang dốc lòng, dốc sức để làm.

Ứng xử đọc, giá trị và chuẩn mực đọc của các nhà quản lý và cơ quan quản lý nhà nước là chính sách, đường lối và ứng xử hàng ngày nhằm phát triển nền văn hoá đọc. Các hoạt động này đều nhằm tạo ra hành lang pháp lý phát triển tài liệu đọc ( Sách đọc) có giá trị và lành mạnh cho các nhu cầu đọc khác nhau; bên cạnh đó là sự thuận tiện của tài liệu đọc đến với người đọc (thông qua các loại cửa hàng sách, các nhà in và các loại hình thư viện, phòng đọc sách). Nghĩa là người đọc, không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt tuổi tác, không phân biệt nơi cư trú đều dễ dàng tiếp cận đến những tài liệu đọc theo giá trị họ mong muốn, để họ có cơ hội cải thiện , giải tỏa chính cuộc sống của họ.

Đọc sách tại thư viện huyện Đầm Hà

Để sách (từ người viết, người làm sách tới quá trình hình thành sách đến tay người đọc) có chất lượng cao, giá cả hợp lý, hợp với túi tiền của mọi độc giả và được phân phối rộng khắp trên toàn quốc, với các hình thức, biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn đọc phong phú, đa dạng và hiện đại thì Đảng và Nhà nước cần phải tính đến mục đích  phát triển nghề nghiệp để xây dựng xã hội học tập. Cũng chính từ đó mà văn hóa đọc phải liên quan đến các hội nghề nghiệp như: ( Hội tác gia, Hội nhà báo, Hội xuất bản, Hội thư viện…); tuy nhiên bên cạnh đó còn phải kể tới truyền thống văn hoá của xã hội, chính xác hơn là truyền thống văn hoá tôn vinh người viết sách, người đọc sách và người truyền thụ kiến thức (kể cả giáo dục kỹ năng đọc và hướng dẫn đọc). …

Thiết nghĩ, Văn hóa đọc trước hết cần duy trì, phát triền và tạo ra thói quen đọc cho suốt cuộc đời cho mỗi người. Xây dựng thói quen đọc phải được bắt đầu từ tuổi ấu thơ, từ tuổi trước khi đến trường,.. Trong suốt cuộc đời đi học và sau khi ra đời là quá trình học tập và rèn luyện các kỹ năng đọc. Quá trình học tập, mỗi cá nhân phát hiện ra sở thích đọc của chính họ để phát huy sở trường và hạn chế những sở đoản. Nhưng sở thích đọc lại phụ thuộc hoàn toàn vào từng cá nhân cụ thể (trình độ giáo dục và tính cách tự nhiên của cá nhân), ví dụ: có người thích đọc thơ, có người thích đọc tiểu thuyết, trinh thám, kiếm hiệp, có người thích đọc sách nghiên cứu, có người thích đọc sách văn hoá nghệ thuật … Yếu tố này tạo ra sự đa dạng, phong phú, giàu mầu sắc cho nền văn hoá đọc ở Việt Nam nói riêng và trong xã hội nói chung.

Các em học sinh say sưa đọc sách

Tóm lại văn hoá đọc của từng cá nhân phải đảm bảo có đủ cả ba yếu tố trên. Nếu một người có thói quen đọc, nhưng thiếu kỹ năng đọc, hiệu quả đọc không cao, thậm chí không có hiệu quả, chỉ mất thời gian vô ích. Nếu nắm vững kỹ năng đọc, nhưng không tạo được thói quen đọc thì cũng chẳng thu lượm được kiến thức là bao, thiếu những kiến thức cần thiết cho cuộc sống của chính họ. Vì vậy, kỹ năng đọc của cá nhân mỗi người luôn được coi trọng, đó là sự thể hiện tổ hợp những thao tác tư duy được xác lập thành thói quen ứng xử đọc, cụ thể như: Biết định hướng nguồn tài liệu cần thiết cho bản thân trong các môi trường; Thể hiện được tính hệ thống, tính liên tục trong quá trình lựa chọn tài liệu đọc;Biết cách tiếp nhận tối đa và sâu sắc nội dung tài liệu đọc; Biết vận dụng các biện pháp kỹ thuật để củng cố và đào sâu những nội dung đã đọc;  Biết vận dụng vào thực tiễn những nội dung đã đọc….   Mục đích cuối cùng của kỹ năng đọc là đọc có hiệu quả cao nhất, nắm chắc nội dung  cốt lõi và biết vận dung những điều đã đọc được vào cuộc sống của chính người đọc. Đây cũng là điều mà hàng năm UNESCO trao giải thưởng xoá mù chữ cho những cá nhân, tập thể không chỉ biết đọc biết viết đơn thuần, mà phải biết vận dụng những điều đọc được vào cuộc sống của chính họ, cải thiện được cuộc sống nghèo khổ của người mù chữ.

Ngày nay, trong thời đại 4.0,  Đứng trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, của tri thức nhân loại, không ai có thể nắm được hết các loại khái niệm, các loại vấn đề, tuy nhiên nói nền văn hoá đọc của mỗi quốc gia phải bao gồm đầy đủ ba thành phần: ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc lành mạnh của các nhà quản lý và cơ quan quản lý nhà nước, của cộng đồng xã hội và của mỗi thành viên trong xã hội. Điều đó sẽ tạo ra được một nền văn hoá đọc phát triển, góp phần xây dựng và tạo nên một xã hội học tập phát triển.

*Vậy những mặt tích cực của văn hóa đọc ở Việt Nam là gì?

Cùng với dòng chảy trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, 76 năm qua,văn hoá đọc đã có những bước phát triển vượt bậc. Điều đó thể hiện ở những con số sau đây: Ngày nay hàng năm xuất bản khoảng  trên 25.000 tên sách, Cả nước hiện nay đang xuất bản khoảng gần 400 tên báo, tạp chí, nhiều báo có số lượng xuất bản mỗi số lên tới hàng chục nghìn bản.; Hệ thống thư viện công cộng được phát triển rộng khắp từ các tỉnh tới huyện và đang vươn tới nhiều xã trên toàn quốc, Cả nước bao gồm 64 thư viện tỉnh, 587 thư viện huyện và khoảng hơn 10.000 thư viện và tủ sách cơ sở ở xã. Trong loại thư viện phục vụ công chúng rộng rãi còn phải kể tới hơn 10.000 tủ sách pháp luật xã và cũng khoảng trên 10.000 điểm bưu điện văn hoá xã. Tại các vùng nông thôn Việt Nam đã có khoảng 3 vạn điểm đọc sách báo cho người dân. Qui mô của các thư viện tỉnh và huyện ngày càng được mở rộng về số lượng bản sách, nhân viên phục vụ, trụ sở thư viện và kinh phí hoạt động… Các thư viện tỉnh đang trong giai đoạn tự động hoá, chuyển đổi từ thư viện truyền thống sang thư viện điện tử/thư viện số. Các bước phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng đã tạo cho hệ thống thư viện công cộng có sự gần gũi, thân thiện với mọi người dân trên khắp mọi miền đất nước… ( Ngoài ra còn có các hệ thống thư viện khác như: thư viện trường phổ thông, thư viện trường đại học, thư viện khoa học kỹ thuật, thư viện quân đội… ..)

Ngày nay cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, bên cạnh đó là sự bùng nổ của khoa học công nghệ, đã kéo theo đó là sự  phát triển của các thư viện tư nhân, thư viện gia đình; Đặc biệt khi tốc độ phát triển thuê bao trường truyền Internet và tỷ lệ dân chúng sử dụng Internet của chúng ta đạt một tỷ lệ cao so với khu vực châu Á  ( với nhiều mô hình đa dạng, phong phú như: Café Sách; Ỉtrenet…) với những tài liệu đọc và những bộ sưu tập rất có giá trị, không chỉ có ở các thành phố mà còn được phát triển ở các vùng nông thôn. Bên cạnh đó Nhiều nhà sách với chuỗi cửa hàng bán sách ra đời, các cửa hàng bán sách theo chuyên đề cũng mọc lên rất nhiều, các siêu thị sách… Cho đến nay chúng ta đã có hơn  12.000 cửa hàng sách và nhà sách tư nhân, Điều đó đã tạo cho công chúng được tiếp cận thường xuyên và dễ dàng hơn với sách mới xuất bản. Hệ thống thư viện công cộng, đã chủ động phối hợi với các cơ quan chức năng tổ chức thường xuyên các cuộc thi kể chuyện sách thiếu nhi trong các dịp hè, nhằm xây dựng và phát triển thói quen đọc sách và phần nào giáo dục kỹ năng đọc sách cho thiếu nhi…Qua đó đã góp phần giáo dục, thúc đẩy nhu cầu văn hóa đọc trong các tầng lớp độc giả, tạo đà để phát triển mục tiêu xây dựng xã hội học tập của đất nước.

*Bên cạnh những mặt tích cực, chúng ta cũng phải thừa nhận văn hoá đọc của Việt Nam còn có những mặt hạn chế nhất định:

Một là: Chưa hình thành được một chiến lược phát triển văn hoá đọc và các kế hoạch phát triển văn hoá đọc trên bình diện quốc gia, nhằm liên kết, phối hợp các thành phần, các lực lượng của văn hoá đọc, mặc dù mục tiêu đã được Đảng, Chính phủ vạch ra rất rõ ràng là xây dựng một xã hội học tập, một xã hội ham đọc.

Hai là: Nguồn tài liệu và sự phân bố tài liệu đọc giữa thành thị và nông thôn còn bất cập , nhất là các thư viện vùng nông thôn rộng lớn ( Ở các xã, thôn, bản..) mới chỉ phát triển rất ít và nghèo nàn về nội dung; Công tác xuất bản có xu hướng cho ra đời các bộ sách dày trên nhiều lĩnh vực, thực chất chỉ nhằm vào những người đọc có thu nhập cao trong xã hội… ( Số lượng sách, báo và chủng loại chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu đọc của độc giả nhất là độc giả ở Nông thôn)

Ba là: Công tác xây dựng giáo dục kỹ năng, thói quen đọc có hệ thống từ bậc tiểu học lên đến bậc đại học còn hạn chế; Số lượng tên sách được xuất bản hàng năm đã có bước phát triển vượt bậc, nhưng chất lượng sách và nhu cầu thực tế cần về nội dung sách chưa phù hợp, có hiện tượng chạy theo lợi nhuận, thiếu định hướng rõ rệt trên hai bình diện nâng cao và phổ cập kiến thức, cho nên hiệu quả chưa cao và giá sách còn cao so với thu nhập trung bình của người dân.

Bốn là: Chưa thường xuyên hình thành được các chương đọc sách ở các cấp từ tỉnh đến cơ sở; chưa tổ chức định kỳ các hội chợ sách trên phạm vi ở từng tỉnh, từng địa phương…

Năm là: Công tác tuyên truyền còn hạn chế, chưa thường xuyên; hệ thống thư viện ở cấp huyện và cấp xã còn thiếu đồng bộ,( Có nơi nhiều xã còn chưa có thư viện…) chưa được quan tâm đầu tư đúng mức cả về con người và cơ sở vật chất, mô hình thư viên chưa hấp dẫn và đa dạng… Bên cạnh đó nền kinh tế của chúng ta đang phát triển với tốc độ khá cao làm cho thời gian nhàn rỗi của người dân dành cho đọc đang có nguy cơ bị các phương tiện nghe nhìn, du lịch, Intrernet, facbook, zalo và các trang mạng xã hội … lấn lướt co hẹp lại, làm suy thoái thói quen đọc của công chúng.

Để đề cao tầm quan trọng của văn hóa đọc, tầm quan trọng của sách báo và tri thức trong đời sống, trong kỳ họp lần thứ 28 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc tại Paris (ngày 25/10 – 16/11/1995), UNESCO (Tổ chức văn hoá, giáo dục, khoa học Liên hợp quốc) đã quyết định chọn ngày 23/4 hàng năm làm “Ngày sách và bản quyền thế giới”(World Book and Copyright Day); sự kiện ngày đọc sách thế giới ở Việt Nam đang trở thành một nét sinh hoạt văn hoá, văn minh của những người yêu mến sách báo cần được duy trì và quảng bá và rất cần sự hỗ trợ, quan tâm hơn nữa của các cơ quan  chức năng để Văn hóa đọc luôn là nhu cầu không thể thiếu  của những độc giả trong mọi thời đại.

Mục tiêu và Ý tưởng về Ngày Sách và Bản quyền Thế giới bắt nguồn từ một phong tục truyền thống rất đẹp ở Catalonia (Tây Ban Nha): Vào ngày 23/4 hàng năm (là ngày lễ Thánh Goerge), có rất nhiều hội chợ sách và các lễ hội đường phố được tổ chức, mỗi khách hàng sẽ được tặng một bông hồng kèm theo khi mua một cuốn sách trong ngày hôm đó. Thông qua việc tổ chức ngày sách nhằm bảo đảm cho mọi người khám phá và thỏa mãn sở thích đọc của mình, đồng thời là dịp để tôn vinh những tác giả đã có nhiều đóng góp cho sự tiến bộ văn hóa, văn minh xã hội của nhân loại. Chính vì vậy, UNESCO mong muốn Ngày Sách và Bản quyền Thế giới sẽ là dịp để cả thế giới tôn vinh sách và những người sáng tạo ra chúng – những người đã có những đóng góp không gì thay thế được đối với sự phát triển văn hóa nhân loại; là dịp để khuyến khích tất cả mọi người tôn vinh văn hoá đọc.

Sách là sản phẩm văn hóa tinh thần, là kho tàng tri thức đóng vai trò rất quan trọng, Sách vừa là bạn vừa là người thầy vĩ đại thắp sáng trong mỗi chúng ta nguồn tri thức vô tận. Dạy cho chúng ta cách sống, cách làm người, hướng tới những giá trị nhân văn cao cả.. Ở thời đại nào, con người cũng lấy việc học, và đọc sách là một trong những mục đích để hoàn thiện nhân cách con người, để tiến bộ trong cuộc sống cá nhân và đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội. Cha ông ta đã coi việc đọc sách là một hành vi văn hóa cao đẹp. Từ đọc sách, sưu tầm sách, xây dựng tủ sách, thư viện là một phần của việc hình thành văn hóa đọc.

Hư­ởng ứng chủ trư­ơng của UNESCO, đồng thời để khẳng định những giá trị to lớn của sách báo.  Nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa đọc trong đời sống tinh thần của các nhân mỗi người và cộng đồng xã hội, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày Sách Việt Nam; Mục đích là nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người, góp phần xây dựng và phát triển xã hội học tập. Đây thật sự là niềm vui lớn cho những người yêu sách.

Ngày Sách Việt Nam ra đời là sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách và cả cộng đồng xã hội. Góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc. Là dịp để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội. Tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ sách. góp phần quan trọng trong việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam.

Ngày 21/4 là ngày Sách Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là thời điểm ra mắt cuốn sách đầu tiên của Việt Nam là cuốn “Đường Kách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh – tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Việt được in bởi những người thợ in Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tác giả lớn, một Danh nhân văn hóa, các tác phẩm của Người có giá trị không chỉ đối với người dân Việt Nam mà còn được bạn bè quốc tế đón nhận. Việc chọn ngày Sách Việt Nam gắn với một tác phẩm nổi tiếng của Người sẽ có ý nghĩa văn hóa sâu sắc. Bên cạnh đó, tháng 4 còn là thời điểm diễn ra Ngày sách và Bản quyền Thế giới (23/4).

Nhằm tôn vinh văn hóa đọc, khuyến khích mọi người dân thế giới khám phá niềm yêu thích đọc sách.Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Thư viện số 46/2019/QH14, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020, trong đó khoản 1 Điều 30 quy định ngày 21 tháng 4 hằng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.Nhằm triển khai thi hành quy định của Luật Thư viện vào thực tiễn cuộc sống, đồng thời tiếp tục xây dựng và phát huy giá trị của văn hóa đọc trong cộng đồng;  Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo và yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin truyền thôngbcác tỉnh, thành chỉ đạo hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn trong đợt hoạt động chào mừng Ngày Sách Việt Nam lần thứ VIII ngày 21/4/ 2021, căn cứ điều kiện thực tiễn xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động khuyến đọc bằng nhiều hình thức và chủ đề phong phú khác nhau, thu hút được  nhiều người tham gia, nhất là  xây dựng được mối liên hệ mật thiết giữa các th­ư viện – nhà xuất bản – cơ quan phát hành – và bạn đọc; đồng thời tổ chức tuyên truyền về giá trị, ý nghĩa, tinh thần của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2021 (theo tinh thần Luật Thư viện) nhằm xây dựng phát triển văn hóa đọc của người dân trên địa bàn.Ngoài ra, các đơn vị tổ chức truyền thông trực quan (băng rôn, pano…) hoặc trực tuyến nhằm tuyên truyền về giá trị, ý nghĩa, tinh thần của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2021.

Bởi một lẽ rất tầm thường là : Những tinh túy, những kiến thức quý báu, quan trọng và những kinh nghiệm vô giá đều đã được đúc kết trong những trang sách. Nếu chúng ta muốn khám phá thế giới, muốn mở mang tầm nhìn và muốn thành công thì hãy luôn đọc sách vì: “ Không gì tốt hơn việc đọc và hấp thu càng ngày càng nhiều tri thức; Sách là nguồn của cải quý báu của thế giới, là di sản xứng đáng của các thế hệ và các quốc gia” . Hãy đọc sách để mồi ngày trở nên thông minh hơn../.                                                  

                                                                             Triệu Đại Nghĩa – TTTT&VH Đầm Hà