Ngày 2/3, huyện Đầm Hà đã tổ chức hội nghị Triển khai cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển và giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện. Đồng chí Trần Anh Cường – Phó Chủ tịch UBND huyện chủ trì hội nghị.
Huyện Đầm Hà có diện tích đất, mặt nước biển nuôi trồng thủy sản thuộc địa bàn huyện quản lý là 8.695,73 ha. Trong đó, 5.656 ha diện tích đất bãi triều, mặt nước, khu vực biển đã được cập nhật, tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/02/2023, Quy hoạch vùng huyện được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt tại Quyết định 816/QĐ-UBND ngày 29/3/2023. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản sau khi lập phương án, sơ đồ sử dụng không gian biển trong giai đoạn 2023 – 2024 là 985, 86 ha, 30 khu (lô), 384 ô (vị trí nuôi) tại 4 xã ven biển: Đại Bình, Tân Lập, Đầm Hà và Tân Bình. Ngay sau khi có các văn bản, chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh liên quan đến công tác quản lý, sử dụng đất, mặt nước nuôi trồng thủy sản, quản lý đất rừng, đất nuôi trồng thủy sản, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chương trình, kế hoạch, phân công nhiệm vụ để tổ chức thực hiện theo quy định; quản lý chặt chẽ Quy hoạch, đất đai, tài nguyên môi trường. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định pháp luật, cơ chế chính sách có liên quan đến hoạt động nuôi biển; các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, môi trường; sử dụng khu vực biển nuôi trồng thủy sản, mô hình nuôi trồng thủy sản tiên tiến, năng suất cao, sản xuất theo chuỗi giá trị; an toàn lao động; phòng chống thiên tai; các hiệp định thương mại FTE, FTA; hàng rào kỹ thuật trong thương mại – TBT, các biện pháp kiểm dịch động thực vật – SPS…Quan tâm đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở nhằm đáp ứng năng lực quản lý Nhà nước theo quy định; hướng dẫn các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển thực hiện thủ tục cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển, đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng nuôi chủ lực trên địa bàn huyện. Đến nay, toàn huyện có 14 hợp tác xã sản xuất nuôi trồng thủy sản trên biển.
Đại diện các HTX, các hộ dân tham gia ý kiến tại hội nghị
Tại hội nghị, đại diện các Hợp tác xã, các hộ dân đăng ký nuôi trồng thủy sản trên biển đã được quán triệt triển khai cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển và giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện; nghe báo cáo triển khai cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển và giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện; hướng dẫn cấp phép nuôi trồng thủy sản, hướng dẫn hồ sơ giao khu vực biển, hồ sơ đánh giá tác động môi trường. Các hợp tác xã, các hộ dân đăng ký nuôi biển đều bày tỏ đồng thuận, thống nhất với các nội dung được quán triệt, triển khai tại hội nghị; đồng thời tham gia ý kiến, kiến nghị một số vấn đền liên quan đến những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thủ tục cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển, đặc biệt là các thủ tục về môi trường.
Đồng chí Trần Anh Cường – Phó Chủ tịch UBND huyện phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Anh Cường – Phó Chủ tịch UBND huyện đề nghị: phòng Nông nghiệp & PTNT, phòng Tài nguyên & môi trường, các xã liên quan cần tăng cường phối hợp, vào cuộc, đồng hành với các Hợp tác xã, các hộ dân đăng ký nuôi trồng thủy sản trên biển để triển khai thực hiện; hoàn chỉnh các bản đồ, công bố công khai, thông tin đến các hộ gia đình; tham mưu thành lập tổ công tác, xây dựng lịch làm việc cụ thể với từng xã, từng Hợp tác xã, các hộ dân để hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ, dự án, sơ đồ nuôi và các thủ tục theo quy định. Các HTX chủ động ký hợp đồng với đơn vị tư vấn; thực hiện tốt các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, môi trường, sử dụng vật liệu nổi trong nuôi trồng thủy sản đảm bảo theo quy chuẩn kỹ thuật địa phương.
Thanh Nga (Trung tâm TT&VH)