Thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 30/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh về “Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho sự phát triển nhanh, bền vững”; Kế hoạch số 370-KH/HU ngày 28/12/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện; căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy về công tác quản lý, phát triển các chợ trên địa bàn huyện, xã Quảng Lâm sẽ khôi phục và tổ chức chợ phiên vùng cao, cùng với việc tổ chức các hoạt động văn hóa, qua đó góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, khai thác các lợi thế vốn có của địa phương để tạo ra các sản phẩm phát triển du lịch cộng đồng, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của Nhân dân trên địa bàn huyện.
Quảng Lâm là xã vùng cao với 98% là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, gồm đồng bào Dao, Sán Dìu, Sán Chỉ, Kinh, Tày, Hoa, Thái, Mường, La Ha. Năm 2002, xã Quảng Lâm được đầu tư xây dựng công trình chợ từ nguồn vốn chương trình 135, trải qua thời gian, chợ Quảng Lâm hoạt động không mấy hiệu quả như trước, hạ tầng được đầu tư đã lâu không được nâng cấp, duy tu sửa chữa định kỳ thường xuyên nên hiện nay đã xuống cấp, điều kiện về phòng cháy chữa cháy, điện, cấp thoát nước chưa đồng bộ. Nhằm khôi phục, phát huy hiệu quả hoạt động của chợ xã Quảng Lâm, phục vụ giao lưu, trao đổi, mua bán hàng hóa, khôi phục lại các nét văn hóa truyền thống của địa phương, xã Quảng Lâm đã xây dựng Phương án sẽ khôi phục lại chợ phiên vùng cao của xã. Trong đó sẽ tập trung chỉnh trang cảnh quan môi trường, lắp đặt pa nô, biểu trưng để quảng bá bản sắc văn hóa các dân tộc tại khu trung tâm, tuyến đường trục chính của xã. Bố trí sắp xếp lại các không gian hoạt động của chợ; sửa chữa, nâng cấp chợ Quảng Lâm nhằm đảm bảo các điều kiện vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, công tác PCCC.
Trên cơ sở được thiên nhiên ưu đãi với lợi thế về các cảnh điểm sẵn có , Quảng lâm sẽ xây dựng các mô hình, các điểm check in (các vườn hoa, cây cảnh…), tạo động lực, điểm nhấn để thu hút hoạt động và du khách. Tổ chức khôi phục hoạt động định kỳ chợ phiên gồm: phát triển thêm các gian hàng trưng bày, bán những sản phẩm ăn uống, sản phẩm OCOP trên địa bàn xã, huyện, các sản phẩm may, thêu thủ công của đồng bào các dân tộc, trưng bày, bán các sản phẩm nông sản, như: gừng, địa liền, mật ong, gà bản, ngan, ốc khe, cá khe, măng rừng, cá suối, rượu khoai, rượu men lá, lá tắm…. Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian như: múa, hát, đẩy gậy, kéo co, đi cà kheo, đánh quay, ném còn, bịt mắt bắt vịt, đập niêu, đi cầu tre… Gắn kết thăm quan, trải nghiệm thực tế các điểm du lịch sinh thái, hoạt động sản xuất, đời sống văn hóa của Nhân dân các dân tộc xã Quảng Lâm. Qua đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá và lan tỏa các hình ảnh đẹp về văn hóa, vùng đất, con người và hoạt động riêng có của địa phương trên các phương tiện thông tin, các trang mạng xã hội, tạo động lực, điểm nhấn hấp dẫn để thu hút người dân và du khách tới thăm quan, trải nghiệm chợ phiên vùng cao.
Nét đẹp phiên chợ vùng cao Ba Nhất xã Quảng An (ảnh Báo Quảng Ninh)
Thời gian gần đây chợ phiên vùng cao đang được các địa phương khôi phục lại và phát huy hiệu quả. Tiêu biểu là chợ phiên vùng cao Ba Nhất xã Quảng An, chợ phiên vùng cao Ba Nhất đã được khôi phục lại và tổ chức thành công, là nơi gắn kết, phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của địa phương. Chợ không chỉ bán các sản phẩm do chính người dân bản địa làm ra như: mật ong rừng, gừng, địa liền, gà bản, thịt trâu, măng rừng… mà còn là nơi để bà con đến thỏa sức vui chơi, ca hát, thưởng thức văn hóa dân tộc mình, chợ phiên Ba Nhất thu hút rất đông người dân và du khách đến tham quan trải nghiệm.
Sau khi khôi phục chợ phiên xã vùng cao Quảng Lâm, các sản phẩm truyền thống của địa phương sẽ được bày bán tại chợ phục vụ người dân và du khách
Cùng với chợ phiên Ba Nhất xã Quảng An, chợ phiên xã vùng cao Quảng Lâm sẽ được khôi phục lại, cùng với đó là việc đầu tư, khai thác các lợi thế về cảnh điểm du lịch trải nghiệm, phát triển các dịch vụ độc đáo, mang bản sắc riêng có của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm tạo động lực để người dân địa phương tích cực, chủ động tổ chức chăn nuôi, trồng trọt, tạo ra các sản phẩm văn hóa, du lịch, phục vụ du khách đến thăm quan, mang lại cơ hội phát triển kinh tế, phát triển du lịch trên địa bàn xã Quảng Lâm nói riêng và huyện Đầm Hà nói chung. Đây sẽ là một sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách, góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc xã Quảng Lâm, góp phần đưa Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 30/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đi vào cuộc sống./.
Mai Thắm (Trung tâm TT&VH)