Năm 2022 đã khép lại, có thể thấy không khí đón xuân đang rộn rã khắp nơi. Nếu có mặt ở các bản làng vùng cao dân tộc chắc chắn chúng ta sẽ cảm nhận được rõ ràng hơn mùa xuân đang về, trong tiết trời ấm áp của mùa Xuân chúng tôi đã có dịp đến với xã vùng cao Quảng An để cảm nhận rõ sắc xuân đã về trong mỗi nếp nhà của đồng bào Dao nơi đây.
Trở lại Quảng An vào những ngày giáp Tết, có thể cảm nhận rõ niềm vui phấn khởi của bà con nơi đây. Với những chính sách quan tâm của Đảng, nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương, đời sống vật chất và tinh thần của bà con ngày càng được cải thiện. Cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư xây dựng khang trang, hệ thống điện, đường, trường, trạm và các công trình phục vụ đời sống dân sinh đã làm thay đổi căn bản diện mạo các bản vùng cao. Cấp ủy, chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp khuyến khích nhân dân phát triển kinh tế, bà con mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát huy thế mạnh từ đất đồi rừng để trồng quế, trồng keo mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Nhiều hoạt động văn hóa thể thao được tổ chức tạo không khí phấn khởi cho nhân dân trong dịp Tết
Là xã vùng cao có 72% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao, đón Xuân Quý Mão năm nay bà con ăn Tết vui hơn vì đời sống của bà con đã có nhiều thay đổi. Diện mạo nông thôn trên địa bàn xã nay đã khang trang hơn, nếu như trước đây những con đường liên thôn, nội thôn, ngõ xóm là đường đất, những ngày mưa, đường trơn trượt khiến Nhân dân đi lại khó khăn. Nhưng từ khi có Chương trình xây dựng NTM, được sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước, bà con hiến đất, góp tiền, ngày công làm đường, làm kênh mương thủy lợi. Đến nay, đường làng, ngõ xóm được đổ bê tông sạch đẹp, trẻ em đi học thuận tiện, ô tô đến tận nơi thu mua nông sản nên giá bán tăng, bà con phấn khởi, khắp bản làng tràn ngập niềm vui, Tết này, bà con trong bản đã có đường bê tông sạch sẽ, đi thăm hỏi, chúc tết nhau cũng dễ dàng hơn,thuận tiện hơn.
Vào những ngày Tết, các gia đình người Dao tạm gác công việc để mọi người được quây quần, sum họm bên gia đình. Tết của người Dao thường đến sớm hơn, bà con tổ chức ăn Tết ở nhà lớn sau đó mới ăn Tết tại nhà, bà con sửa sang, quét dọn nhà cửa, chuẩn bị mâm cơm để cúng tổ tiên trong ngày Tết, tiễn năm cũ qua đi cầu chúc cho một năm mới sung túc gặp nhiều may mắn. Bà con đồng bào Dao cũng không quên dặn dò con cháu nhớ ơn tổ tiên, giữ gìn nét đẹp truyền thống của dòng họ, của dân tộc, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, ăn Tết sao cho vui vẻ, đầm ấm. Người Dao quan niệm những ngày đầu năm mới mà có mưa xuân thì đó là điều vô cùng may mắn họ sẽ lên nương gieo hạt, hoặc trồng quế, mong cho cây cối đơm chồi nảy lộc, mùa màng tốt tươi.
Ngoài các nghi lễ đón Tết truyền thống, đồng bào Dao ở Quảng An thường có nhiều trò chơi dân gian trong những ngày Tết như kéo co, đẩy gậy, đánh con quay và hát sán cố. Từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 4 Tết, các ông bà, anh chị trong những bộ trang phục truyền thống cùng nhau hát sán cố, cùng say sưa với những câu hát về điều mong ước, tâm tư, tình cảm trong lao động sản xuất, trong đời sống, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới. Điệu hát sán cố có khi diễn ra từ sáng tới đêm, đây là nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Dao ở xã Quảng An vẫn được duy trì và tổ chức thường xuyên vào mỗi dịp đầu xuân mới.
Đón xuân mới, đồng bào Dao cũng không ngừng hăng say lao động sản xuất. Đón những hạt mưa xuân đầu tiên, bà con người Dao sẽ lại bắt tay vào một mùa trồng cây, trồng rừng mới với hy vọng sẽ có một vụ sản xuất thắng lợi.
Mai Thắm (Trung tâm TT&VH Đầm Hà)