Phát huy truyền thống, phẩm chất của phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới: Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang, phụ nữ các dân tộc huyện Đầm Hà đã không ngững nỗ lực phấn đấu, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Qua đó ngày càng khẳng định vị trí, vai trò của mình trong phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương; xây dựng hình ảnh đẹp về phụ nữ Đầm Hà “đoàn kết, sáng tạo, tự tin, thân thiện”.
Trên cơ sở thực hiện Nghị quyết số 23 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện và bộ quy tắc ứng xử Người Đầm Hà Đoàn kết, sáng tạo, tự tin, thân thiện”, hội viên, phụ nữ huyện đã chủ động hơn trong việc tham gia học tập, nghiên cứu, nâng cao kỹ năng, nhận thức; tích cực tuyên truyền sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nêu cao ý thức giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống; xây dựng văn hóa ứng xử trong gia đình và cộng đồng, thực hiện tốt văn hóa công sở và đạo đức công vụ; có tác phong, thái độ ứng xử văn minh; năng động, sáng tạo trong mọi hoạt động.
Hội LHPN tổ chức hội nghị chuyên đề Phụ nữ Đầm Hà đoàn kết, sáng tạo, tự tin, thân thiện
Hưởng ứng phong trào “phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc”, những năm qua, huyện Đầm Hà đã có nhiều hội viên phụ nữ vượt khó vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; trở thành những tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi. Trước đây, gia đình chị Nguyễn Thị Thiết – thôn Bình Nguyên, xã Tân Bình là một trong những hộ nghèo, cuộc sống khó khăn, chủ yếu là làm ruộng, thu nhập không ổn định. Nhưng với bản tính chăm chỉ, cần cù, vợ chồng anh chị quyết tâm cùng nhau xây dựng kinh tế từ hai bàn tay trắng. Năm 2012, bằng chút vốn dành dụm của gia đình; đồng thời được Hội Phụ nữ tạo điều kiện cho vay 30 triệu đồng, chị đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi trên 500 con vịt thương phẩm. Những ngày đầu chưa có kinh nghiệm, gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn. Không lùi bước, chị Thiết vừa làm, vừa học hỏi và tích lũy kinh nghiệm. Nhờ đó, gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo. Có đồng vốn trong tay, chị tiếp tục mở rộng quy mô trang trại. Đến nay, gia đình chị đã có 2ha đất vườn đồi, chăn nuôi trên 500 con vịt, 1.000 con gà thương phẩm và 1.000 con vịt đẻ trứng. Ngoài ra, tận dụng diện tích ao nuôi vịt, gia đình chị đầu tư thả trên 5.000 con giống cá nước ngọt. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, cho gia đình chị thu nhập trên 100 triệu đồng.
Mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình chị Thiết
Với nghị lực và quyết tâm làm giàu, vươn lên xây dựng cuộc sống tiến bộ, hạnh phúc, thời gian qua, đã có không ít hội viên, phụ nữ thể hiện sự mạnh dạn, năng động, dám nghĩ, dám làm, thích ứng nhanh với sự phát triển của kinh tế thị trường, Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, hội viên, phụ nữ huyện còn tích cực vận động, hỗ trợ, tạo điều kiện giúp nhau ổn định cuộc sống, giảm nghèo bền vững. Mô hình “nuôi lợn đất tiết kiệm”, “ống tiền tiết kiệm” là một trong những hoạt động sáng tạo, thiết thực, được triển khai hiệu quả. Chỉ với cách làm rất đơn giản đó là mỗi ngày chị em tiết kiệm ít nhất 5.000 đồng bỏ vào lợn đất hay lợn nhựa của gia đình. Góp nhỏ thành lớn, với cách làm này, từ năm 2016 đến nay chị em toàn huyện đã tiết kiệm được trên 820 triệu đồng để hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ và trẻ em nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Phát huy tinh thần tương thân tương ái, chị em còn tích cực giúp nhau về ngày công lao động, hỗ trợ cây, con giống và cho vay vốn không lấy lãi với số tiền trên 1 tỷ đồng. Đồng thời tích cực tham gia phong trào “giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, thực hiện quản lý các nguồn vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tham gia thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, xây dựng thương hiệu OCOP của địa phương. Cùng với đó, Hội LHPN huyện phối hợp với ngân hàng chính sách tạo điều kiện cho 2.329 lượt hộ gia đình vay vốn với tổng dư nợ 105,4 tỷ đồng, giải ngân “Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế” với tổng số tiền trên 850 triệu đồng. Nhờ đó, chị em phụ nữ huyện đã duy trì và nhân rộng 17 mô hình phát triển kinh tế với 1.112 thành viên tham gia như: mô hình trồng mía tím xã Quảng Lợi, mô hình nuôi vịt đẻ trứng xã Tân Bình, nuôi gà ở xã Dực Yên, nuôi trồng thủy hải sản ở xã Đầm Hà. Từ năm 2016 đến nay, hội viên, phụ nữ huyện đã giúp 124 hộ thoát nghèo, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của huyện.
Hội LHPN huyện tổng kết mô hình nuôi lợn tiết kiệm
Cùng với phát triển kinh tế, hội viên phụ nữ huyện tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương như: phong trào thi đua “dân vận khéo”, “phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, “phụ nữ Đầm Hà chung tay bảo vệ môi trường và thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm”, “toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mời, đô thị văn minh” gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; duy trì có hiệu quả các câu lạc bộ “xây dựng gia đình hạnh phúc”, “phụ nữ người cao tuổi”, “phụ nữ nuôi dạy con tốt”. Đồng thời xây dựng nhiều mô hình mới như: câu lạc bộ cầu lông, câu lạc bộ “Yoga nữ”.v.v. tạo khí thế thi đua sôi nổi, có sức lan tỏa sâu rộng, phát huy được tiềm năng, sức sáng tạo của hội viên, phụ nữ. Đặc biệt, với vai trò nòng cốt trong thực hiện phong trào “Ngày chủ nhật xanh”, cán bộ, hội viên, phụ nữ đã gương mẫu đi đầu, hăng hái, tự giác xuống đường làm vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, nạo vét rãnh thoát nước, quét dọn trên các trục đường và xung quanh khu vực nhà văn hoá khu dân cư vào các ngày thứ bảy, chủ nhật hằng tuần. Việc giữ gìn vệ sinh môi trường của khu dân cư, thôn, bản dần đi vào nền nếp. Các con đường liên thôn, ngõ, xóm được dọn dẹp, phát quang sạch sẽ. Phong trào “Ngày chủ nhật xanh” đã có sức lan toả mạnh mẽ; các xã, thị trấn tích cực vào cuộc, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu.
Những năm trước đây, bản Mào Liểng là một bản nghèo, gân 100% hộ dân trong bản thuộc hộ nghèo, đường vào bản là đường đất gồ ghề. Phần lớn nhà ở của các hộ dân là nhà tranh tre tạm bợ. Từ chương trình xây dựng nông thôn mới, bản Mào Liểng đã có những con đường được bê tông hóa, những ngôi nhà kiên cố, khang trang. Trong sự đổi thay ấy có sự đóng góp không nhỏ của Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Dín Thị Lan. Chị Lan là người đầu tiên ở Mào Liểng hiến đất làm đường liên thôn, đường nội đồng. Thấy được sự nhiệt tình của Bí thư chi bộ, trưởng thôn, các hộ dân trong bản cũng tích cực làm theo. Chỉ tính riêng từ năm 2016 đến năm 2018 nhân dân trong bản đã hiến gần 4.000m2 đất cùng nhiều cây cối, hoa màu, góp công để xây dựng các công trình phục vục sản xuất và đời sống dân sinh. Thực hiện cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, chị xuống tận các hộ gia đình trực tiếp giúp chị em dọn dẹp nhà cửa, bố trí chỗ ăn, chỗ ngủ ngăn nắp, gòn gàng, vận động các hộ gia đình di chuyển chuồng trại chăn nuôi ra xa nơi ở, sử dụng nước hợp vệ sinh, cho đến nay nhiều hộ gia đình hội viên thay đổi nếp sống, thay đổi nhận thức và thói quen trong sinh hoạt hàng ngày. Khi Phòng GD&ĐT huyện Đầm Hà tổ chức mở các lớp xóa mù chữ cho bà con, chị Lan đến vận động bà con tham gia vào các lớp xóa mù chữ, đến nay Mào Liểng không còn người không biết chữ. Nhờ đó, khi bà con tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi trồng hiệu quả hơn vì ghi chép lại được. Chị Lan lại nhiệt tình giúp bà con vay vốn phát triển sản xuất mở vườn mẫu trồng cây ăn quả, chăn nuôi lợn gà theo hướng sản xuất hàng hóa. Vì vậy, đời sống của người dân Mào Liểng được nâng cao. Bản Mào Liểng đã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn từ năm 2017. Năm 2019, Mào Liểng chỉ còn 1 hộ nghèo/54 hộ dân.
Trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền, giám sát, phản biện xã hội, vai trò, trách nhiệm của cán bộ, hội viên phụ nữ cũng được nâng cao.; tham giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện chế độ chính sách đối với người có công, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất; bình xét hộ nghèo, cận nghèo; tham gia các tổ hào giải ở thôn, bản, khu phố; tham gia góp ý vào các văn bản liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Cán bộ, hội viên phụ nữ tích cực tham gia các phong trào thể dục thể thao tạo không khí thi đua sôi nổi, phấn khởi
Với những việc làm hiệu quả, đóng góp thiết thực trong thời gian qua, phụ nữ huyện Đầm Hà ngày càng khẳng định vai trò, vị thế của mình trong gia đình và xã hội; góp phần xây dựng hình ảnh người phụ nữ Đầm Hà phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực, “đoàn kết, sáng tạo, tự tin, thân thiện” đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Thanh Nga (Trung tâm TT&VH)