Thực hiện chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, thời gian qua, huyện Đầm Hà đã triển khai đồng bộ các giải pháp khuyến khích các tổ chức, cá nhân đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP của địa phương, qua đó tạo ra mối liên doanh, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông sản của huyện, góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho nhân dân, xây dựng nông thôn mới bền vững.
Là một huyện miền núi, ven biển, do điều kiện về tự nhiên, vị trí địa lý và nền văn hóa hình thành từ lâu đời, nên Đầm Hà có nhiều sản phẩm đặc trưng cho vùng đất và con người nơi đây. Trước dây, do bà con nông dân trên địa bàn huyện sản xuất nông, lâm, thủy sản theo hướng nhỏ lẻ, manh mún chưa phát huy hết tiềm năng thế mạnh của địa phương. Thực hiện Đề án “Tỉnh Quảng Ninh – Mỗi xã phường một sản phẩm”, huyện Đầm Hà đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, huy động được người dân và các doanh nghiệp tích cực tham gia. Huyện đã triển khai quy hoạch vùng sản xuất hàng hoá nông nghiệp tập trung, lựa chọn các sản phẩm, xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, có cơ chế hỗ trợ để các tổ chức kinh tế phát triển sản phẩm, hỗ trợ xây dựng nhãn mác, bao bì, tạo điều kiện cho các sản phẩm được tham gia trưng bày, quảng bá và giới thiệu tại các hội nghị, hội chợ thương mại. Từ việc sản xuất manh mún, nhỏ lẻ đến nay chương trình OCOP tại huyện Đầm Hà đã dần từng bước khẳng định là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế. Các sản phẩm tham gia chương trình đã được nhân dân trong huyện, tỉnh và nhiều tỉnh, thành khác biết đến, sản lượng sản phẩm tiêu thụ tăng hằng năm. Trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung như vùng trồng quế 2.600 ha, vùng nuôi trồng thuỷ sản (tôm 405 ha; nhuyễn thể 246 ha), nuôi cá lồng bè 66 ha, vùng trồng củ cải trên 100 ha. Đã có 19 cơ sở gồm 14 HTX, 1 công ty và 3 hộ gia đình tham gia phát triển 28 sản phẩm OCOO như: Trứng vịt biển Tân Bình, ngan sao Đại Bình, củ cải khô, củ cải phên, cá song Đức Thịnh, gạo bao thai Dực Yên, lạc Đầm Hà, dưa cải nén, rượu khoai Quảng Lâm, rượu khoai, rượu sim Quý Chuẩn, nấm linh chi Đầm Hà, chè vối, nón Đại Hiệp, chân giò nướng, khau nhục… Toàn huyện có 28/28 sản phẩm đã có nhãn mác, bao bì, trong đó 11 sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy đăng ký nhãn hiệu, các sản phẩm còn lại đang trong quá trình hoàn thiện. Cùng với việc mở rộng về quy mô sản xuất, chất lượng các sản phẩm được nâng lên. Đã có 8 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3* trở lên, trong đó có 2 sản phẩm đạt 4* là trứng vịt biển Tân Bình và rượu sim Quý Chuẩn, 6 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3*.
Sản phẩm gạo bao thai Dực Yên của HTX thương mại và sản xuất nông lâm thủy sản Tuấn Hùng
Chương trình” Mỗi xã, phường một sản phẩm” đã khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế vùng nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Sự liên kết trong sản xuất giữa các hợp tác xã với bà con nông dân cũng nhịp nhàng hơn. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư phương tiện máy móc trong sản xuất, mở rộng quy mô, đảm bảo các tiêu chí về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Trước đây các sản phẩm chủ yếu cung cấp thị trường trong huyện đến nay đã có thị trường tiêu thụ trong các thành phố, thị xã trong và ngoài tỉnh, sản lượng tiêu thụ các sản phẩm không ngừng tăng qua từng năm, qua đó khẳng định được thương hiệu của các sản phẩm OCOP Đầm Hà.
Khách tham quan mua sắm tại Trung tâm OCOP Đầm Hà
Công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến thương mại đã được triển khai thực hiện hiệu quả. Ngoài Trung tâm OCOP, huyện đã phối hợp với Sở Công thương tỉnh tổ chức hội chợ OCOP gắn với phiên chợ hàng Việt Nam đồng thời tích cực đưa các sản phẩm tham gia các lễ hội, hội chợ của tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin truyền thông, tổ chức hội thi đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP huyện, xây dựng kênh thông tin quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội. Qua đó từng bước kết nối được sản phẩm đến với người tiêu dùng, tăng sản lượng tiêu thụ.
Từ thành công của chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, thời gian tới huyện Đầm Hà sẽ tiếp tục đẩy mạnh sản xuất gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm, tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia chương trình, tập trung mở rộng các vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất, từng bước xây dựng huyện Đầm Hà trở thành vùng trọng điểm trong sản xuất nông, lâm, thủy sản của tỉnh Quảng Ninh, góp phần phát triển kinh tế địa phương bền vững.
Mai Thắm (Trung tâm TT&VH Đầm Hà)