Ngày 5/3 (tức ngày 25 tháng Giêng âm lịch), xã Đại Bình, xã Dực Yên, xã Tân Lập và Ban Tổ chức Tuần văn hóa Thể thao các dân tộc huyện Đầm Hà đã tổ chức Khai hội lễ hội Đình Tràng Y và Tuần văn hóa thể thao các dân tộc huyện năm 2024. Về dự Lễ hội có các đồng chí Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ huyện Đầm Hà, lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể các xã thị trấn, đông đảo nhân dân trong huyện và du khách thập phương.
Lễ hội đình Tràng Y trước kia diễn ra trong 6 ngày từ ngày 24 đến ngày 29 tháng Giêng âm lịch. Nay được phục dựng lại trên cơ sở nguyên gốc của lễ hội truyền thống xưa và được tổ chức trong 3 ngày từ ngày 24 đến ngày 26 tháng Giêng âm lịch.
Lễ đóng cây đóng đám thờ Thần
Đồng chí Triệu Thanh Ngần, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đại Bình đánh trống Khai hội Lễ hội Đình Tràng Y năm 2024
Ngày 24 tháng Giêng, làm lễ Cáo yết tại đình. Thay mặt cho làng cụ Mo mặc áo the, khăn xếp làm lễ Cáo yết mời Thần – Thành Hoàng về dự hội làng. Ngày 25 tháng Giêng làm lễ nhập Thần vào chân linh, tiếp đó là lễ rước Thành hoàng, đoàn rước tập trung ở sân đình, xuất phát từ đình Tràng Y đi về hướng Nam khoảng 2km đến bến Đại Thành, thôn Nhâm Cao, xã Đại Bình. Đến bến Đại Thành kiệu vẫn để trên vai, đội cầm cờ chia làm hai hàng, tàn, lọng đứng tại chỗ xoay đi xoay lại, trống đánh liên hồi, lúc nào đội cầm cờ đứng vào vị trí thì mới được hạ kiệu. Cụ Mo, cụ Mường thắp hương, khấn mời Thành hoàng về đình dự hội, cụ Mo hóa vàng xin âm dương, đoàn rước theo thứ tự, rước Thành Hoàng trở về đình. Về đến đình cụ Mo, cụ Mường đội bát hương, đưa vào ban thờ, theo sau là đội tế, 16 mâm cỗ chay, mặn lúc này được đặt vào các vị trí và làm lễ An vị Thành hoàng, lễ Nhập tịch Thành hoàng, lễ đóng cây đóng đám thờ Thành Hoàng và lễ hội đình Tràng Y chính thức được khai hội.
Hát nhà tơ mừng Thần về dự hội
Lễ tế Thành Hoàng được diễn ra trang nghiêm thành kính
Lễ tế Thành hoàng được diễn ra trang nghiêm thành kính, trong lúc tế có múa dâng hương, dâng hoa mời tất cả các vị Thần – Thành Hoàng cùng các vị hậu thần về phối hưởng. Tế xong nhân dân và du khách thập phương vào dâng hương. Cũng giống như các lễ hội đình khác trong khu vực, lễ hội đình Tràng Y có các nghi thức rước tế thần, hát nhà tơ, múa đội đèn, đặc biệt có hát văn tế Thần. Ngoài ra trong các buổi tối lễ hội còn thu hút những trai thanh, gái tú tham gia hát đúm, hát giao duyên và cũng theo các cụ cao niên kể lại đây cũng là lễ hội có đông các đôi trai gái nên vợ, thành chồng nhất so với các lễ hội đình được tổ chức trong khu vực. Nét đặc sắc trong lễ hội đình Tràng Y là lễ Cáo trạng, trước kia người làng xã Đại Bình làm ăn sinh sống ở xa hay gần nếu được thăng quan tiến chức, học hành đỗ đạt đều phải về dự hội làng và làm lễ Cáo Trạng, báo công với các Thần, Thành Hoàng.
Các đồng chí Thường trực Huyện ủy, HĐND, lãnh đạo UBND huyện dâng hương tại Đình Tràng Y
Về với lễ hội đình Tràng Y trong một không gian linh thiêng, với một tâm tưởng thành kính bao điều mong ước chân thành, bình dị cùng nhau trở về với cội nguồn, bà con nhân dân và du khách thập phương thành kính cầu Thần Thành Hoàng phù hộ cho quốc thái dân an, cuộc sống bình yên, mọi sự tốt lành để cùng vươn tới đỉnh cao của lòng nhân ái, cùng đoàn kết xây dựng gia đình, quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
Văn nghệ chào mừng Khai hội
Ngoài phần lễ diễn ra trang nghiêm thành kính phần hội có các trò chơi dân gian truyền thống, giao lưu văn nghệ hát đúm, hát giao duyên được tổ chức xung quanh khu vực đình tạo không khí vui tươi trong suốt thời gian diễn ra lễ hội. Cùng với đó, các hoạt động của Tuần Văn hóa – Thể thao các dân tộc huyện Đầm Hà cũng diễn ra sôi nổi với các hoạt động như đẩy gậy, kéo co, bóng chuyền hơi, trình diễn trang phục dân tộc…
Môn thi đẩy gậy Tuần văn hóa Thể thao các dân tộc huyện Đầm Hà
Các trò chơi dân gian diễn ra trong suốt thời gian tổ chức Lễ hội
Lễ hội đình Tràng Y mang đậm sắc thái văn hóa của nhân dân vùng sông, biển lên khai hoang mở đất, giữ đất. Đây là năm thứ 9 lễ hội được phục dựng lại và tổ chức thành công, góp phần đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của nhân dân, khơi dậy ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, làm cơ sở, làm tiền đề để nhân dân huyện Đầm Hà duy trì tổ chức lễ hội vào các năm sau.
Mai Thắm – Quốc Nghị (Trung tâm TT&VH)