Phát triển kinh tế, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho chị em phụ nữ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được hội LHPN huyện Đầm Hà tích cực triển khai thực hiện trong thời gian qua. Với những giải pháp thiết thực và hiệu quả, Hội LHPN huyện Đầm Hà kịp thời hỗ trợ giúp đỡ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Hội LHPN huyện Đầm Hà có 6.606 hội viên tham gia sinh hoạt ở 76 chi hội, với đặc thù là một huyện miền núi ven biển, nhiều chị em phụ nữ sống dựa vào sản xuất nông, lâm, thủy sản, những năm trước đây đời sống của hội viên phụ nữ còn khó khăn, đặc biệt là phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng mùa vụ còn chậm, khoa học kỹ thuật chưa được ứng dụng rộng rãi trong phát triển sản xuất, vì vậy thu nhập và đời sống của chị em vẫn chưa được cải thiện. Nhằm tháo gỡ những khó khăn, tìm ra những giải pháp phù hợp giúp chị em phụ nữ trong huyện đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống, dưới sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền huyện Đầm Hà và Hội LHPN tỉnh, Hội LHPN huyện Đầm Hà đã có nhiều giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ hội viên hội viên phụ nữ đẩy mạnh phát triển sản xuất, giảm nghèo, nâng cao thu nhập.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho chị em phát triển kinh tế, hội LHPN Đầm Hà xác định công tác tập huấn, chuyển giao KHKT là một trong những yếu tố then chốt giúp chị em phụ nữ có thể nâng cao kiến thức, nắm bắt KHKT để phát triển kinh tế gia đình. Hội đã khảo sát nắm bắt nhu cầu học nghề, đồng thời tư vấn cho chị em lựa chọn nghề, hướng đi phù hợp với điều kiện gia đình, tiềm năng, lợi thế của địa phương. Từ năm 2016 đến nay, hội đã phối hợp với Phòng Lao động Thương binh và xã hội tổ chức 5 lớp dạy nghề cho 155 lao động nông thôn các xã Dực Yên, Quảng An, Quảng Tân, Tân Bình; 12 lớp tập huấn chuyển giao KHKT cho 766 lượt hội viên phụ nữ trên địa bàn. Đồng thời tổ chức cho chị em phụ nữ học tập các mô hình kinh tế hiệu quả tại địa phương.
Mô hình ươm keo giống của chị Nguyễn Thị Sâm hội viên phụ nữ xã Tân Bình
Các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn huyện đã đứng ra tín chấp giúp chị em được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình. Duy trì hoạt động ủy thác vay vốn ngân hàng chính sách xã hội với tổng dư nợ 110,2 tỷ đồng cho 1.928 lượt hộ vay. Được hỗ trợ về nguồn vốn và nắm bắt được khoa học kỹ thuật, chị em phụ nữ trên địa bàn huyện đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh. Nếu như trước đây chị em phụ nữ chỉ sản xuất nông, lâm, thủy sản theo hướng manh mún, nhỏ lẻ theo hướng tự cung tự cấp thì nay chị em đã tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, mùa vụ đưa các cây con mới năng suất chất lượng cao vào nuôi trồng. Hiện nay hội đang duy trì 37 mô hình phát triển kinh tế hiệu quả với 1.112 thành viên tham gia. Trong đó nhiều mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình nuôi lợn nái, trồng cây ăn quả, mô hình trồng rau sạch, nuôi gà bản, trồng dưa lưới ….
Phát huy thế mạnh của huyện ven biển, những năm gần đây, chị em các xã ven biển như Đầm Hà, Tân Lập, Đại Bình, Tân Bình đã vận động các thành viên trong gia đình tích cực khai thác tiềm năng lợi thế của địa phương, mạnh dạn đầu tư cải tạo ao đầm ứng dụng KHKT nuôi trồng thủy hải sản. Diện tích nuôi tôm, nuôi nhuyễn thể, nuôi cá lồng bè trên biển tăng cả về diện tích và sản lượng. Không chỉ phát huy tiềm năng thế mạnh trong nuôi trồng thủy sản, chị em phụ nữ xã Tân Bình còn tận dụng vùng đất bãi triều ven biển rộng lớn để chăn nuôi vịt đẻ trứng, tạo ra sản phẩm ocop trứng vịt biển Tân Bình ngon nổi tiếng, đạt tiêu chuẩn 4 sao. Bên cạnh đó nhiều chị em phụ nữ đã tận dụng diện tích đất vườn đồi của gia đình để phát triển chăn nuôi gà bản, tạo việc làm ổn định và nâng cao thu nhập cho gia đình. Gà bản Đầm Hà là sản vật nổi tiếng của địa phương. Nhằm bảo tồn và phát triển giống gà quý hiếm này, chị Nguyễn Thị Hiền, HTX Tuyền Hiền xã Quảng Tân đã liên kết các hộ gia đình, trong đó nòng cốt là chị em phụ nữ tham gia phát triển chăn nuôi giống gà quý hiểm này, bằng quy trình khép kín tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao, giải quyết việc làm và thu nhập cho nhiều hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện.
Cán bộ hội viên phụ nữ vận chuyển vật liệu giúp gia đình hội viên Tằng Nhì Múi ở Quảng Lâm xây dựng nhà ở
Nhờ có sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của Hội LHPN các cấp, hội viên phụ nữ Đầm Hà đã nỗ lực khắc phục khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế, nhiều chị em đã trở thành tấm gương sáng trong phong trào phụ nữ làm kinh tế giỏi ở địa phương. Cùng với phát triển kinh tế gia đình, cán bộ, hội viên phụ nữ Đầm Hà còn tích cực giúp nhau làm kinh tế, thực hiện có hiệu quả phong trào “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, chị em giúp nhau về vốn, giống, ngày công lao động, cho nhau vay không lấy lãi trên 1 tỷ đồng, từ năm 2016 đến nay Hội đã giúp trên 550 gia đình hội viên thoát nghèo và cận nghèo. Ngoài ra Hội duy trì và phát huy hiệu quả quỹ mái ấm tình thương hỗ trợ trên 800 triệu đồng cho 15 phụ nữ đơn thân, tàn tật, phụ nữ nghèo xây nhà ở giúp chị em vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Thời gian tới, Hội LHPN huyện sẽ tiếp tục duy trì và nhân rộng phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, hỗ trợ các chị em vay các nguồn vốn, tổ chức định hướng sản xuất – kinh doanh, tập huấn, tư vấn kiến thức, giúp hội viên mở rộng các mô hình sản xuất – kinh doanh phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình, không ngừng nâng cao vai trò, vị trí của tổ chức Hội, thực sự là điểm đựa vững chắc giúp hội viên vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương.
Mai Thắm (Trung tâm TT&VH)