Ngày 10/10, Thường trực Tỉnh ủy họp giao ban tuần để cho ý kiến về tình hình thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội để hoàn thành các mục tiêu đề ra theo Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 25/11/2021 và Kết luận số 858-KL/TU ngày 26/9/2022 của Tỉnh ủy cùng nhiều nội dung quan trọng khác. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì.
Tại điểm cầu huyện Đầm Hà, đồng chí Đỗ Thị Ninh Hường – TUV, Bí thư huyện ủy chủ trì cuộc họp.
Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 25/11/2021 của Tỉnh ủy, Nghị quyết số 68/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động, kế hoạch tăng trưởng kinh tế, với mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt trên 11%, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn không thấp hơn 52.600 tỷ đồng với các giải pháp căn cơ, có tính khả thi; xác định rõ trách nhiệm của các sở, ban, ngành, chính quyền các địa phương gắn với trách nhiệm người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện.
Trên cơ sở kết quả thực hiện 9 tháng đầu năm 2022, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng trên 11% theo Kết luận số 858-KL/TU ngày 26/9/2022 của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã xây dựng các giải pháp gắn với các mốc thời gian, khối lượng cụ thể. Trong đó, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện tốt nhất để ngành than tận dụng các cơ hội thị trường; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tăng tối đa sản lượng đối với các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo; tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp đi vào hoạt động sớm nhất.
Về đầu tư xây dựng, thực hiện rà soát lại toàn bộ tiến độ thực hiện của các dự án triển khai trong năm 2022 để điều chỉnh kế hoạch vốn phù hợp với tiến độ thực hiện. Các sở, ban, ngành, địa phương, chủ đầu tư lập kế hoạch chi tiết giải ngân vốn đối với từng dự án, từng nguồn vốn theo từng tháng.
Trong tháng 10/2022, UBND tỉnh dự kiến làm việc với các đơn vị, doanh nghiệp có số thu lớn về thực hiện nghĩa vụ với NSNN những tháng cuối năm 2022 và dự toán NSNN năm 2023; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại; tổ chức hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp để bàn các giải pháp tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh những tháng cuối năm. Cùng với đó, tập trung triển khai xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện các chương trình chuyên đề phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; đẩy nhanh hoàn thiện các tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới đối với 4 đơn vị (Hạ Long, Vân Đồn, Bình Liêu và Ba Chẽ), hoàn thành hồ sơ báo cáo Hội đồng thẩm định Trung ương trong quý VI năm 2022…
Kết luận nội dung này, Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh: Thời gian từ nay tới cuối năm không còn nhiều, trong khi khối lượng công việc còn rất lớn, vì vậy để hoàn thành chỉ tiêu, mục tiêu đề ra trong quý IV và cả năm 2022, giao Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy chủ trì rà soát lại tất cả các tổ chức Đảng, cấp ủy các cấp trong việc cụ thể hóa Kết luận 858-KL/TU ngày 26/9/2022 của Tỉnh ủy; tăng cường trách nhiệm của các đồng chí trong Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy được giao nhiệm vụ phụ trách các địa bàn đối với việc thực hiện Kết luận 858-KL/TU; rà soát lại toàn bộ chỉ tiêu, yêu cầu, mục tiêu từ đầu năm đề ra, trong đó chỉ rõ tiến độ, trách nhiệm, địa chỉ cụ thể.
Để đạt con số tăng trưởng trên 11%, cùng với việc tập trung cho thu ngân sách, lĩnh vực đầu tư công được xác định là nguồn lực, động lực, vừa là trụ cột đảm bảo cho tăng trưởng bền vững, đảm bảo an sinh xã hội. Vì vậy, nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ triển khai, giải ngân vốn đầu tư công, gắn với khối lượng hoàn thành và nâng cao chất lượng công trình, dự án là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách, đầu tư công, giải ngân vốn đầu tư công và gắn trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Thực hiện rà soát toàn bộ tiến độ thực hiện các dự án triển khai trong năm 2022, trong đó khẩn trương hoàn thiện thủ tục cho khởi công dự án nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Phổi Quảng Ninh; dự án tuyến đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đến TX Đông Triều và các công trình động lực khác.
Đổi mới công tác xúc tiến đầu tư; rà soát lại hạ tầng đảm bảo đồng bộ, mặt bằng phải sạch trong các KCN, KKT để thu hút nguồn vốn FDI. Tập trung thúc đẩy, phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ mới gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, nhất là sau khi tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái đi vào hoạt động. Đồng thời, phải chuẩn bị sản phẩm du lịch dịch vụ để đón cơ hội khách quốc tế thời gian tới. Hoàn thành có chất lượng các chỉ tiêu, tiêu chí, hướng đến người dân được thụ hưởng thành quả, tránh chạy theo thành tích, chống chủ nghĩa hình thức trong thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững KT-XH gắn với đảm bảo vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển nhà ở cho công nhân, lao động; các công trình y tế, giáo dục và các dịch vụ công cộng. Đảm bảo an ninh, an toàn trật tự xã hội nhất là thời điểm cuối năm. Tập trung cải cách thủ tục hành chính tốt hơn nữa; nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư công và dự án đầu tư tư.
Cùng ngày, Thường trực Tỉnh ủy cũng nghe và cho ý kiến về tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TU ngày 15/9/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh thời gian qua được triển khai thực hiện ngày càng bài bản, rõ nét, thiết thực, cụ thể và có nhiều cách làm sáng tạo.
Cấp ủy, chính quyền các địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, Chỉ thị số 16-CT/TU gắn với Kết luận số 21-KL/TW với nhiều giải pháp thiết thực, ngày càng thực chất, hiệu quả. Đội ngũ cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc hơn trách nhiệm đối với công tác xây dựng Đảng về đạo đức; đề cao vai trò, trách nhiệm, tính nêu gương của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Tuy nhiên, qua đánh giá cho thấy, việc cụ thể hóa Chỉ thị số 16 ở cấp cơ sở còn ít sáng tạo; việc xây dựng những tập thể, cá nhân điển hình còn được ít chú ý; vẫn có cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, chuẩn mực đạo đức nên vi phạm những điều đảng viên không được làm, vi phạm các quy định về trách nhiệm nêu gương, dẫn đến phải xử lý kỷ luật.
Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh, việc tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 16 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy có ý nghĩa quan trọng đối với việc tiếp tục khơi dậy, phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất về ý chí và hành động của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh; trong đó, đề cao sự gương mẫu, trách nhiệm của người đứng đầu; sâu sát, gần dân, trọng dân, vì dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, bám sát thực tiễn, nói đi đôi với làm, quyết liệt trong hành động, làm đến cùng, dứt điểm và có kết quả, hiệu quả đo lường được.
Thời gian tới, các cấp ủy đảng tiếp tục chỉ đạo, thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TU thực chất, rõ việc, hiệu quả hơn, gắn thực hiện Chỉ thị với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương và trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Xây dựng các tiêu chí cụ thể gắn với từng đối tượng; đề cao tính nêu gương, làm gương của đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý. Tiếp tục đổi mới phương pháp, phong cách, lề lối làm việc của cấp ủy, người đứng đầu, phải thực sự gần dân sát dân, cụ thể, chống thành tích và hình thức. Tăng cường nắm bắt dự báo những vấn đề trong nhân dân, nhất là trên không gian mạng; trong quá trình thực hiện, phải tăng cường cơ chế kiểm tra giám sát thực hiện Chỉ thị. Đồng thời, tập trung sơ kết 4 năm thực hiện Nghị quyết số 11 ngày 9/3/2018 của BCH Đảng bộ tỉnh về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”; tiếp tục hoàn thiện Đề án về văn hóa, con người Quảng Ninh.
Trong ngày, Thường trực Tỉnh ủy cũng nghe và cho ý kiến Kịch bản Lễ Khai mạc Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022 tại Quảng Ninh.
Đồng chí Đỗ Thị Ninh Hường – TUV, Bí thư Huyện ủy chủ trì cuộc họp tại điểm cầu huyện Đầm Hà
Chiều cùng ngày, qua nghe báo cáo tổ chức Kỷ niệm 75 năm Ngày Truyền thống Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh 18/10 (1947-2022), Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan phải chuẩn bị tốt các hoạt động kỷ niệm. Trong đó, trọng tâm là lễ đón nhận Huân chương Quân công hạng Nhất và Kỷ niệm 75 năm Ngày Truyền thống Lực lượng vũ trang Quảng Ninh đảm bảo trang trọng, ý nghĩa. Đặc biệt, nêu bật được những thành tích, chiến công và sự trưởng thành, lớn mạnh của Lực lượng vũ trang Quảng Ninh suốt 75 năm. Qua đó, không ngừng xây đắp và tô thắm truyền thống “Đoàn kết, sáng tạo, bất khuất, kiên trung, chiến thắng”; góp phần bổ sung, hoàn thiện các tư liệu quý về truyền thống Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh.
Bên cạnh đó, đây cũng là dịp để nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, nhân dân trong tỉnh về sự trưởng thành, lớn mạnh của Lực lượng vũ trang Quảng Ninh qua các giai đoạn lịch sử; cổ vũ, động viên các đơn vị Lực lượng vũ trang tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua quyết thắng gắn với phong trào thi đua yêu nước; hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xây dựng Quảng Ninh trở thành khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế.
Thu Hiền (Theo Báo Quảng Ninh)