Ngày 20/12/2022, Thường trực Huyện ủy họp giao ban tuần để nghe và cho ý kiến Kế hoạch triển khai Đề án phát triển vùng trồng cây ăn quả tập trung trên địa bàn huyện; Đề án thành lập Trung tâm giáo dục nghề nghiệp huyện Đầm Hà, cùng một số nội dung quan trọng khác. Đồng chí Đỗ Thị Ninh Hường – TUV, Bí thư Huyện ủy, chủ trì cuộc họp.
Theo đó, Kế hoạch phát triển vùng cây ăn quả tập trung trên địa bàn huyện là cơ sở để chỉ đạo đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp nhằm triển khai thực hiện Đề án phát triển vùng cây ăn quả tập trung trên địa bàn huyện Đầm Hà đến năm 2030 theo đúng lộ trình, nội dung được phê duyệt và đạt hiệu quả cao nhất. Với mục tiêu chung: Đến năm 2025, diện tích cây ăn quả toàn huyện đạt khoảng 400 ha; sản lượng quả các loại ước đạt 5.200 tấn; trong đó diện tích quả rải vụ, trái vụ trên địa bàn huyện có khoảng 120 ha, chiếm tỷ lệ 30%; trên 45% diện tích cây ăn quả được cấp có thẩm quyền công nhận áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) áp dụng các tiêu chuẩn khác trong sản xuất nông nghiệp (GlobalGAP, ORGANIC…). Đến năm 2030, diện tích cây ăn quả toàn huyện có trên 1.500 ha cây ăn quả tập trung, sản lượng đạt 21.600 tấn/năm; trong đó diện tích quả rải vụ, trái vụ trên địa bàn huyện có khoảng 600 ha, chiếm tỷ lệ 40%; trên 70% diện tích cây ăn quả được cấp có thẩm quyền công nhận áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) áp dụng các tiêu chuẩn khác trong sản xuất nông nghiệp (GlobalGAP, ORGANIC…), được cấp mã số vùng trồng. KH cũng đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể và kinh phí để triển khai thực hiện Đề án.
Đối với Đề án thành lập Trung tâm giáo dục nghề nghiệp huyện Đầm Hà do Công ty TNHH Chu Văn An làm chủ đầu tư, Đề án đã nêu rõ sự cần thiết, các căn cứ pháp lý để thành lập Trung tâm; mục tiêu đào tạo, tổ chức và các điều kiện đảm bảo hoạt động của Trung tâm; dự kiến các ngành nghề, trình độ và quy mô đào tạo từ năm 2023 đến 2030, với các ngành nghề chủ yếu như hàn, điện công nghiệp, đào tạo lái xe, chế biến và bảo quản thủy sản, công nghệ ô tô, may công nghiệp… Việc thành lập Trung tâm giáo dục nghề nghiệp huyện Đầm Hà sẽ góp vai trò quan trọng để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho những ngành nghề kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đây sẽ là địa chỉ để đào tạo nghề cho huyện Đầm Hà nói riêng, cũng như thị trường lao động tỉnh Quảng Ninh nói chung và các tỉnh lân cận, góp phần phục vụ cho sự phát triển của huyện Đầm Hà.
Đồng chí Đỗ Thị Ninh Hường – TUV, Bí thư Huyện ủy, kết luận các nội dung
Kết luận các nội dung này, Thường trực Huyện ủy yêu cầu UBND huyện và đơn vị tham mưu xây dựng KH triển khai thực hiện Đề án phát triển vùng trồng cây ăn quả tập trung trên địa bàn huyện, cần xây dựng cụ thể đối tượng triển khai thực hiện tại các xã, thị trấn về diện tích, loại cây đăng ký trồng theo từng giai đoạn; cần xác định rõ, cụ thể đối với thời gian để thực hiện các nhiệm vụ trong KH, nêu rõ nguồn lực để thực hiện Đề án đối với mỗi giai đoạn triển khai; trong KH cần bổ sung thêm mục công tác phối hợp với các Sở, ngành của tỉnh trong triển khai thực hiện Đề án; cần phân rõ việc, rõ đơn vị thực hiện đối với từng nhiệm vụ trong KH; các xã cần xác định rõ quy mô thực hiện, thời gian hoàn thành đối với triển khai vùng trồng cây ăn quả tập trung; Phòng NN&PTNT huyện chủ động làm việc với các xã, đơn vị liên quan để hoàn thiện KH trình BTV Huyện ủy cho ý kiến. Đối với Đề án thành lập Trung tâm giáo dục nghề nghiệp huyện Đầm Hà, Công ty TNHH Chu Văn An đơn vị chủ đầu tư cần tiếp thu ý kiến tham gia của các đại biểu tại cuộc họp để hoàn thiện Đề án. Đồng thời, cần làm rõ thêm một số nội dung như: sự cần thiết của việc Thành lập Trung tâm; cần khẳng rõ mục tiêu cụ thể của đề án (quy mô, thời gian đào tạo đối với các ngành, nghề), cơ cấu tổ chức, bộ máy, chức năng nhiệm vụ, chương trình, giáo trình phục vụ đào tạo và các điều kiện đảm bảo khác; cần bổ sung KH và tiến độ thực hiện vào Đề án, kiểm tra kỹ lại các điều kiện cần và đủ cho việc thành lập Trung tâm (QH xây dựng, QH đối với lĩnh vực, KH sử dụng đất và các điều kiện khác); đơn vị đầu tư cần tính toán cụ thể về lộ trình đầu tư, trang sắm thiết bị, quy mô đào tạo theo từng giai đoạn đảm bảo phù hợp, cần xây dựng phương án cụ thể về liên kết đào tạo để phù hợp với KH và lộ trình đào tạo; các cơ quan, đơn vị liên quan của huyện cần tập trung phối hợp, hỗ trợ để đơn vị chủ đầu tư sớm hoàn thành đề án để đưa Trung tâm đi vào hoạt động theo KH đã đề ra, góp phần đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn huyện nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung.
Tại cuộc họp, Thường trực Huyện ủy cũng đã nghe và cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng khác.
Quốc Nghị