Nhân kỷ niệm 64 năm ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam 1/4(1959-2023), chiều ngày 31/3/2023, UBND huyện Đầm Hà tổ chức lễ thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản với thông điệp “Cộng đồng chung tay bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, góp phần gìn giữ nguồn tài nguyên quý báu cho thế hệ tương lai”. Tham dự buổi lễ có các đồng chí Thường trực Huyện ủy, HĐND, lãnh đạo UBND huyện; các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện, các xã, thị trấn và Hội nghề cá huyện.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Trần Anh Cường – Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định ngành Thủy sản của huyện 64 năm qua nhất là sau 20 năm tái lập huyện đã có sự phát triển, tiến bộ vượt bậc: Nghề nuôi trồng từ chỗ quảng canh nhỏ lẻ nay đã hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung quy mô công nghiệp; Diện tích nuôi trồng hàng năm đạt bình quân trên 800 ha năm, tăng 250% so năm 2001. Nghề nuôi từ chỗ phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, phụ thuộc cơ sở, hộ cung cấp giống ngoài huyện nay đã chủ động hoàn toàn về con giống (Công ty Thủy sản Việt Úc Quảng Ninh SX 1.200 – 2.000 triệu tôm giống/năm; Hợp tác xã Bắc Việt SX 1,5 – 5 triệu giống cá biển/năm); Phương tiện khai thác đánh bắt hải sản từ 120 tàu thuyền tăng lên 210 tàu thuyền; Sản lượng thủy sản năm 2022 đạt 11.807 tấn, tăng 255,4 % so năm 2010; Trong đó, Sản lượng khai thác tăng 140,5 %; Nuôi trồng tăng 295%. Giá trị sản xuất ngành thủy sản năm 2022 đạt 2.060 tỷ đồng (giá so sánh 2020); chiếm 72,9 % tổng giá trị ngành nông nghiệp. Để ngành thủy sản phát triển bền vững trong thời gian tới, đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện đề nghị các cấp Ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội tăng cường công tác chỉ đạo, triển khai đồng bộ công tác quản lý, hoạt động tuyên truyền, giáo dục về công tác bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản; Tập huấn kỹ năng khai thác, bảo vệ tài nguyên môi trường biển. Tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 10/8/2021 của Ban thường vụ Tỉnh ủy, như: Nuôi trồng thủy sản không đúng Quy hoạch; Nuôi trồng thủy sản trên biển không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định; vi phạm giao thông đường thủy nội địa, luồng lạch địa phương; sử dụng vượt diện tích được giao/thuê; chưa thực hiện chuyển đổi vật liệu nổi trong hoạt động nuôi trồng thủy sản theo Quy chuẩn địa phương (QCĐP 08;2020/QN). Quan tâm chỉ đạo phát triển bền vững kinh tế biển nói chung, ngành Thuỷ sản nói riêng, trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; phát triển thủy sản gắn với bảo vệ môi trường. Vận động các tổ chức, cá nhân tham gia thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản tại khu vực tự nhiên từ nguồn xã hội hóa. Tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về quản lý khai thác, bảo vệ nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sản của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Các xã ven biển có diện tích biển và vùng bãi triều rộng có khả năng phát triển nuôi các loài nhuyễn thể triển khai xây dựng kế hoạch sản xuất, có biện pháp khai thác và bảo vệ nguồn lợi hợp lý, nhất là nguồn lợi thủy sản tự nhiên.
Đồng chí Trần Anh Cường, Phó chủ tịch UBND huyện phát biểu tại buổi lễ.
Sau Lễ phát động, các đại biểu đã tham gia thả trên 9.000 con cá giống nước ngọt các loại gồm cá chép, mè, cá rô phi… xuống Hồ chứa nước Đầm Hà Động, thôn Châu Hà, xã Quảng Tân, góp phần bổ sung, tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản tại đây.
Các đồng chí lãnh đạo huyện tham gia thả hơn 9.000 con cá giống vào vùng nước tự nhiên tại Hồ Đầm Hà Động.
Các đại biểu và nhân dân tham gia thả cá giống.
Quốc Nghị