Ngày 30/11, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tổ chức hội nghị để cho ý kiến về một số nội dung quan trọng. Đồng chí Đỗ Thị Ninh Hường – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe và cho ý kiến về dự thảo Đề án thực hiện chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế – xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng – an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, qua 2 năm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia theo Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, huyện đã đạt nhiều kết quả tích cực. Các công trình hạ tầng thiết yếu, động lực, thúc đẩy phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo được quan tâm đầu tư, phát huy hiệu quả. Trong 2 năm 2021 – 2022, huyện đã đầu tư 550,576 tỷ đồng thực hiện 102 dự án công trình NTM. Các cơ chế, chính sách được triển khai kịp thời; các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội được duy trì và phát huy hiệu quả. Đời sống nhân dân được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,16%. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện ước thực hiện năm 2022 là 79,35 triệu đồng/người/năm, tăng 37,66 % so với năm 2020. Trên địa bàn huyện không còn nhà tạm; tỷ lệ hộ có nhà ở kiên cố hoặc bán kiên cố trên 95%. Huyện không còn địa bàn đặc biệt khó khăn. 100% số xã duy trì xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Trên 98% đồng bào DTTS có BHYT. 99,6% số hộ dân vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Đến nay, huyện có 8/8 xã đạt chuẩn NTM có 5 xã đạt Nông thông mới nâng cao, 1 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; 100% số xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo đã đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Đầm Hà đã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa bàn vùng đồng bào DTTS, miền núi được đảm bảo.v.v.
Mục tiêu chung của Đề án: Phát triển bền vững kinh tế – xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng – an ninh ở các xã, thôn, bản vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021 – 2025 gắn với thực hiện có hiệu quả 3 chương trình MTQG phù hợp với đặc thù, thực tiễn của Huyện. Xây dựng nông thôn phát triển toàn diện; nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả theo hướng liên kết sản xuất hàng hóa, nông nghiệp hữu cơ, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu; nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp. Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới; tạo sinh kế và tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo; đảm bảo an sinh xã hội, thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo, chênh lệch vùng, miền; cải thiện rõ rệt và nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân. Từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể. Phát triển toàn diện y tế, giáo dục và đào tạo gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập; gìn giữ, phát huy giá trị bản sắc văn hóa tốt đẹp, tinh thần tự lực, ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng và nguồn lực nội sinh của đồng bào dân tộc thiểu số. Phát huy tiềm năng, lợi thế đặc thù, khác biệt của vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo để phát triển các lĩnh vực kinh tế, nhất là du lịch cộng đồng, thương mại biên giới, thu hút đầu tư; tổ chức lại sản xuất phù hợp, hiệu quả. Xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, củng cố và giữ vững niềm tin của đồng bào với Đảng, chính quyền; bảo đảm vững chắc quốc phòng – an ninh vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo. Đề án cũng xác định các mục tiêu cụ thể đến năm 2025; nhiệm vụ, giải pháp nhằm triển khai thực hiện hiệu quả chương trình.
Đồng chí Đỗ Thị Ninh Hường – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy chủ trì hội nghị
Kết luận nội dung này, đồng chí Đỗ Thị Ninh Hường – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy cơ bản thống nhất với nội dung Đề án. Đồng chí đề nghị trên cơ sở ý kiến tham gia của các đại biểu, cơ quan tham mưu bổ sung, hoàn thiện đề án. Trong đó, bám sát các Nghị quyết, chương trình, kế hoạch cấp ủy, UBND huyện đã ban hành có liên quan; cập nhật các chủ trương, chỉ đạo, định hướng mới của tỉnh, các nội dung có tính chất điều chỉnh trực tiếp: Nghị quyết 09 của BCH Đảng bộ huyện về xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 – 2025, Chương trình hành động số 11 của BCH Đảng bộ huyện thực hiện Nghị quyết 06 của BCH Đảng bộ Tỉnh, Đề án phát triển GD&DDT vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Đề án về hạ tầng giao thông, Đề án trồng cây ăn quả, Nghị quyết về phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ, Kế hoạch phát triển du lịch, phát triển kinh tế biển; xác định các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để triển khai thực hiện đảm bảo tính tổng thể, thống nhất, hiệu quả. Các lĩnh vực ưu tiên tập trung giảm nghèo; phát triển sản xuất; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; phát triển hạ tầng, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; rà soát, đề xuất, triển khai kịp thời các chính sách an sinh xã hội. Về nguồn lực, rà soát, tính toán, tổng hợp đảm bảo chính xác, hiệu quả.
Tại hội nghị, Ban Thường vụ Huyện ủy cũng đã nghe và cho ý kiến về Đề án tự chủ của các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn huyện; Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của BTV Tỉnh ủy về “phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” và sơ kết Chương trình OCOP giai đoạn từ năm 2016 đến nay theo chỉ đạo của Tỉnh.
Thanh Nga (Trung tâm TT&VH)