Bám bản để dạy học là công việc quen thuộc của những giáo viên mầm non ở vùng cao xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà. Ở đây, cuộc sống và cả công tác chuyên môn của giáo viên gặp rất nhiều khó khăn. Và chỉ có lòng yêu nghề, mến trẻ mới giúp các cô vượt qua mọi khó khăn ở lại chia sẻ cùng các em nhỏ.
Từ trung tâm huyện Đầm Hà, phải vượt hơn 10 km đường rừng núi để vào bản Siệc Lống Mìn, xã Quảng Lâm (Đầm Hà), chúng tôi mới hiểu được sự gian nan của các thầy cô “bám bản, gieo chữ”. Giữa tháng 11, thời tiết nơi vùng cao có chút se lạnh vào sáng sớm, sương mù như mưa, người nào sức khỏe yếu rất dễ bị cảm lạnh. Ấy thế mà, hàng chục năm nay các cô giáo trẻ đã tình nguyện “bám bản” làm người đưa đò để chở các em học sinh vùng cao cập bến thành công. Mới chỉ đến đầu bản, chúng tôi đã nghe thấy âm thanh của những đứa trẻ đang nô đùa trong lớp. Cô giáo Đằng Ngọc Lan, phụ trách lớp nhóm trẻ từ 3-4 tuổi ở điểm trường Siệc Lống Mìn nhắc về khoảng thời gian 5 năm bám lớp, bám trường ở vùng cao, với cô Lan chỉ vỏn vẹn có một chữ “Thương”. Đó là tình thương cô giáo dành cho học trò vùng cao ngây thơ, hồn nhiên và người dân bản địa hiền lành chất phác, những người giáo viên trẻ đến với bản, họ không chỉ làm tốt công việc chuyên môn mà còn thường xuyên đi tuyên truyền vận động người dân. Với những người giáo viên vùng cao, họ không chỉ là cô giáo mà còn là người mẹ của các em nhỏ. Chính họ đã mang đến niềm tin và góp phần làm thay đổi tư duy giữ con ở nhà để nuôi của một bộ phận người đồng bào dân tộc thiểu số.
Anh Sằm A Cắm, phụ huynh học sinh ở bản Tài Lý Sáy, xã Quảng Lâm cho biết: “ Bà con bản chúng tôi thường xuyên phải đi làm nương, làm rẫy cho nên có ít thời gian quan tâm được đến các cháu. Cũng nhờ các cô giáo đã tận tình chăm sóc và dạy dỗ nên các con tôi đã không còn nhút nhát như trước. Cháu đến lớp được chơi với các bạn, được học hành về nhà biết chào hỏi, bà con rất yên tâm khi đưa con đến lớp”.
Một giờ học của nhóm lớp trẻ 3-5 tuổi ở điểm trường Bình Hồ, xã Quảng Lâm
Trường Mầm non Quảng Lâm đóng chân trên một xã vùng cao đặc biệt khó khăn. Vì địa bàn rộng nên ở xã có 8 điểm trường lẻ ở các bản, đồng nghĩa với luôn có 11 giáo viên cắm bản. Trường có 17 giáo viên thì phần lớn trong số đó là người miền xuôi lên. Quảng Lâm chỉ cách thị trấn gần 10 km, nhưng để tới các điểm trường xa có khi phải mất hàng tiếng đồng hồ mới đi đến được. Chưa kể những ngày mưa gió, nước dâng cao ở các đập tràn các cô buộc phải lội qua để có thể đến lớp. Tuy vậy, không phàn nàn về cuộc sống vất vả, về nỗi buồn cô quạnh, ngày qua ngày, những giáo viên nơi đây cứ thầm lặng đưa con chữ đến với những bản làng xa xôi. Với tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ, không ngại khó, ngại khổ các giáo viên ở đây vẫn kiên trì bám bản, bám làng để hoàn thành tốt công việc của mình. Nhờ đó, tỷ lệ huy động trẻ mầm non ra lớp trong năm 2018 của trường đạt 100%, đây thực sự là một kết quả ấn tượng ở một ngôi trường vùng cao còn nhiều khó khăn như trường Mầm non Quảng Lâm.
Chị Đặng Thị Hải- Phó Hiệu Trưởng trường Mầm non Quảng Lâm cho biết: “Hiểu được những khó khăn, vất vả của những cô giáo viên công tác ở các điểm trường lẻ trên các bản xa. Lãnh đạo nhà trường luôn quan tâm ,chia sẻ động viên và tạo mọi điều kiện tốt nhất để họ có thể yên tâm công tác. Hàng năm, chúng tôi thường xuyên lập kế hoạch luân chuyển các vị trí giáo viên ở điểm trường lẻ về trung tâm và ngược lại như vậy có thể bớt gánh nặng đối với những cô giáo cắm bản được phần nào”.
Với tấm lòng yêu nghề, mến trẻ, dù công tác xa gia đình, nhưng các cô giáo mầm non ở vùng cao xã Quảng Lâm vẫn đang đêm ngày bám lớp, tận tình dạy chữ cho các em nhỏ. Bởi họ biết, đằng sau những khó khăn ấy là cả một tương lai tươi sáng đang chờ đón các em và món quà quý nhất đối với các cô giáo là học sinh của mình luôn chăm ngoan, học giỏi, vâng lời cha mẹ.
CTV. Trần Hoàn