Xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội. Huyện Đầm Hà đã ban hành Nghị quyết số 23 – NQ/HU về xây dựng và phát triển văn hóa con người Đầm Hà “Đoàn kết, sáng tạo, tự tin, thân thiện”, qua một thời gian triển khai thực hiện đã tạo sự chuyển biến tích cực và có hiệu quả rõ nét trong đời sống nhân dân các dân tộc trong huyện.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 23 – NQ/HU, Huyện ủy đã xây dựng chương trình hành động, chỉ đạo các chi, đảng bộ cơ sở, các cơ quan, đơn vị tổ chức tuyên truyền, quán triệt và triển khai sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Quy định số 02 – QĐ/HU của Huyện ủy về thực hiện văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị. Gắn xây dựng và phát triển văn hóa, con người Đầm Hà với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và Chỉ thị số 05 – CT/TW của Bộ Chính trị về“Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” tạo sức lan tỏa trong toàn huyện. Bên cạnh đó Đầm Hà đã xây dựng các giải pháp cụ thể nhằm phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc, nhân rộng những truyền thống văn hóa tốt đẹp, điều chỉnh những hành vi, các hủ tục, tập quán lạc hậu trong đời sống cộng đồng. Quan tâm bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa, đẩy mạnh phát triển các loại hình văn nghệ dân gian như: Hát nhà tơ, hát cửa đình và văn hóa lễ hội đình Đầm Hà, đình Tràng Y. Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các làn điệu hát đối, hát sán cố, hát trao duyên, nghi lễ, trò chơi dân gian, thêu dệt thổ cẩm, trang phục truyền thống nhằm khơi dậy và phát huy những giá trị văn hóa, thuần phong mỹ tục của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện đang có nguy cơ bị mai một. Khuyến khích các hoạt động sản xuất, quảng bá các loại hình văn hóa phi vật thể, các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ, đồ lưu niệm, thể hiện được đặc trưng riêng có của Đầm Hà. Lựa chọn một số lễ hội và sinh hoạt văn hóa có tính chất truyền thống đặc trưng của các dân tộc để phục dựng và tổ chức tại các thôn, bản gắn với các hoạt động hưởng ứng du lịch, quảng bá văn hóa Đầm Hà do nhân dân bản địa trực tiếp thực hiện, tạo thành sản phẩm văn hóa hướng tới nhiệm vụ phục vụ phát triển du lịch. Quan tâm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, từ gia đình đến cơ quan, đơn vị và cộng đồng dân cư. Xây dựng và ban hành Bộ Quy tắc ứng xử Người Đầm Hà – Đoàn kết, sáng tạo, tự tin, thân thiện” với những quy định về chuẩn mực ứng xử của tổ chức, cá nhân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người dân sinh sống, học tâọ trên địa bàn huyện . Qua đó nhằm giữ gìn và phát huy truyền thống đoàn kết, hình thành nét văn hóa, thói quen ứng xử văn minh, lịch sự, tự tin, thân thiện cho người Đầm Hà góp phần xây dựng hình ảnh, ấn tượng tốt đẹp và niềm tin đối với người dân, doanh nghiệp và du khách khi đến Đầm Hà.
Phụ nữ Dao vẫn duy trì nét đẹp tự may thêu trang phục cho mình
Việc triển khai thực hiện Nghị quyết đã được cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia hưởng ứng tích cực và thu được những kết quả rõ nét. Nhận thức của câp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên được nâng lên. Phong trào “Học tập, lao động sáng tạo” được phát huy, nhất là trong đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức lao động, 100% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp xây dựng nội quy, quy chế làm việc, xây dựng môi trường văn hóa, ứng xử văn minh tại nơi làm việc, củng cố và nâng cao kỷ cương, nề nếp nơi công sở, tạo động lực để mỗi cơ quan, đơn vị phấn đấu, nâng cao hiệu quả công việc và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Lễ hội đình, nét đặc sắc trong văn hóa của người dân Đầm Hà
Phong trào xây dựng thôn, bản, khu phố văn hoá đã phát triển sâu rộng. Các thôn, bản, khu phố trên địa bàn huyện đều đã xây dựng được các quy ước, hương ước; nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp được bảo tồn, các hủ tục lạc hậu được xóa bỏ. Người dân thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa được nhân dân đồng tình hưởng ứng và tham gia thực hiện, đa số các gia đình tham gia phong trào đều thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, có ý thức tự giác trong việc chấp hành các chủ trương của Đảng, pháp luật nhà nước. Việc thực hiện các tiêu chuẩn công nhận gia đình văn hóa đã góp phần tích cực trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam, cũng như xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, tỷ lệ gia đình văn hóa, thôn, bản, khu phố văn hóa đạt trên 86,8%. Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức sôi nổi, rộng khắp. Các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể được bảo tồn và phát huy như nghệ thuật diễn xướng Then của dân tộc Tày, hội Soóng cọ của người Sán Chỉ, Ngày hội Kiêng gió, lễ cầu mùa của người Dao, lễ hội đình Đầm Hà, đình Tràng Y. Huyện có 2 nghệ nhân dân gian, 1 nghệ nhân Nhân dân.
Nghệ nhân Đặng Thị Tự ở thôn Trại Giữa xã Đầm Hà, người đầu tiên trên địa bàn tỉnh được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân
Những kết quả bước đầu sẽ là tiền đề, là động lực để huyện Đầm Hà tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của Nghị quyết trong thời gian tới, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Mai Thắm (Trung tâm TT&VH)