Ngày 24/6, huyện Đầm Hà đã long trọng tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện lần thứ IV năm 2024. Đến dự có đồng chí Phạm Thị Thùy Hương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ; Phó Trưởng ban chỉ đạo Đại hội dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ninh; đồng chí Đặng Văn Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; các đồng chí lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh; đại diện công an tỉnh; các đồng chí Thường trực Huyện ủy, HĐND, lãnh đạo UBND huyện, các ban, ngành, đoàn thể, LLVT, các xã, thị trấn và 150 đại biểu tiêu biểu đại diện cho trên 13.000 đồng bào dân tộc thiểu số về dự Đại hội.
Đồng chí Tô Xuân Lợi, Phó Chủ tịch UBND huyện phát biểu khai mạc Đại hội
Huyện Đầm Hà có 16 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 31,67%. Trong giai đoạn 2019 – 2024, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã chủ động, linh hoạt, sáng tạo triển khai có hiệu quả các chính sách phát triển toàn diện kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần, tạo động lực để đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế, giảm nghèo, thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước của địa phương. Từ năm 2019 đến nay huyện đã ưu tiên dành nguồn lực 312 tỷ đồng đầu tư xây dựng xây 13 công trình giao thông, 13 công trình thủy lợi, 7 công trình nhà văn hóa, 1 công trình điện, 2 công trình nước sạch, nâng cấp 2 trường học tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay 100% đường giao thông đến trung tâm thôn bản được nhựa, bê tông hóa, 100% dân số của huyện được sử dụng nước hợp vệ sinh. 100% số hộ dân trên địa bàn được sử dụng điện an toàn từ các nguồn. 100% xã có cụm phát thanh thông minh; 100% hộ đồng bào DTTS được xem truyền hình, nghe đài phát thanh Quốc gia và tỉnh Quảng Ninh.
Huyện đã triển khai các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất như hỗ trợ công nhận 1.300 ha quế đạt tiêu chuẩn oganic, góp phần quan trọng đưa sản phẩm quế xuất khẩu ra thế giới; triển khai Đề án trồng cây ăn quả tập trung; tổ chức tập huấn, vận động bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đã có 366 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn ưu đãi với dự nợ cho vay là 28,412 tỉ đồng để phát triển kinh tế. Trong vùng đồng bào dân tộc thiếu số xuất hiện nhiều mô hình kinh tế cho hiệu quả cao, đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn trên địa bàn huyện đạt trên 74 triệu đồng/người/năm. Huyện có 8/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 6/8 xã đạt chuẩn tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao; 4/8 xã hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện Đầm Hà là huyện đầu tiên trong cả nước đạt huyện nông thôn mới nâng cao.
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức sôi nổi, rộng khắp như Ngày hội Kiêng gió của người Dao, chợ phiên Ba Nhất; chương trình về miền sán cố, lễ cầu mùa của người Dao, lễ Đại Phan của dân tộc Sán Dìu, Lễ hội Đình Đầm Hà được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia… góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng báo các dân tộc trên địa bàn huyện.
Công tác giáo dục, y tế cũng được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm, cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng, đội ngũ y bác sỹ được tăng cường, công tác khám chữa bệnh cho nhân dân nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng cao, bà con được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng. 100% xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, mạng lưới y tế cơ sở phát triển; 100% thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động. 100% trường, lớp học được xây dựng kiên cố, đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất. 100% các trường công lập đều đạt trường chuẩn quốc gia. Công tác giảm nghèo, việc giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm, các chính sách an sinh xã hội, được triển khai thực hiện tích cực, đến cuối năm 2023, trên địa bàn huyện không còn hộ nghèo theo tiêu chí quốc gia.
Đồng chí Nềnh Quốc Sinh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch MTTQ huyện trình bày Báo cáo Chính trị tại Đại hội
Trong giai đoạn 2024 – 2029 huyện Đầm Hà sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế văn hóa – xã hội vùng dân tộc thiểu số; từng bước hình thành các cụm kinh tế, văn hóa; phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số; tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số; củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở; tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh; phấn đấu tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 100% dân số; tuổi thọ trung bình người dân tộc thiểu số đạt 75 tuổi trở lên; duy trì 100% thôn, bản giữ vững danh hiệu “Khu phố văn hóa”, Gia đình được công nhận văn hóa “gia đình văn hóa” đạt trên 95%, huyện trở thành huyện Nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025.
Đồng chí Đặng Văn Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện phát biểu chỉ đạo tại Đại hội
Đồng chí Phạm Thị Thùy Hương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ; Phó Trưởng ban chỉ đạo Đại hội dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ninh phát biểu chỉ đạo tại Đại hội
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, đồng chí Phạm Thị Thùy Hương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Phó Trưởng ban chỉ đạo Đại hội dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ninh và đồng chí Đặng Văn Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, chủ tịch HĐND huyện ghi nhận, biểu dương tinh thần nỗ lực và những đóng góp quan trọng của đồng bào các dân tộc thiểu số đối với sự phát triển của huyện, của tỉnh trong thời gian qua. Đồng chí đề nghị thời gian tới cấp ủy, tổ chức Đảng, hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Trung ương, của Tỉnh, của Huyện về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, đặc biệt là Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới, Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Tỉnh uỷ “về phát triển bền vững kinh tế – xã hội gắn với bảo đảm vững chức quốc phòng – an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Chính quyền các cấp phát huy tính năng động, sáng tạo, trên cơ sở các tiềm năng, lợi thế của địa phương, tập trung nỗ lực và nguồn lực đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội. Tiếp tục triển khai cụ thể các quy hoạch, dự án, các công trình trung hạn và hàng năm cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối vùng. Tập trung triển khai các chương trình, y tế, giáo dục, văn hóa xã hội đến các xã, thị trấn có đồng bào dân tộc thiểu số. Tập trung nỗ lực triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Duy trì và nâng cao các tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao và xã nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025. Đẩy mạnh xây dựng, phát huy hiệu quả các mô hình, điển hình phong trào thi đua “Dân vận khéo”; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đặc biệt quan tâm xây dựng và nhân rộng các điển hình, mô hình trong các lĩnh vực về chăn nuôi, trồng trọt, trang trại, đồi rừng, kinh doanh… giúp nhau phát triển kinh tế ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thường xuyên nắm bắt dư luận xã hội; tăng cường khích lệ, biểu dương, nhân rộng gương người tốt việc tốt, những tấm gương bình dị mà cao quý, nhất là những tấm gương đồng bào dân tộc thiểu số tiêu biểu trên các lĩnh vực. Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, xây dựng huyện sạch ma túy; nâng cao tinh thần cảnh giác; kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, đảm bảo quốc phòng an ninh. Đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện phát huy tinh thần đoàn kết của huyện anh hùng, tích cực giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc về tiếng nói, chữ viết, dân ca, trang phục, ẩm thực, lễ hội, truyền dạy cho con cháu về lòng yêu nước của cha ông ta, về tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc; tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế – xã hội, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đóng góp tích cực để xây dựng huyện Đầm Hà ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Các đồng chí Thường trực Huyện ủy, HĐND, lãnh đạo UBND huyện tặng hoa chúc mừng Đại hội
Lãnh đạo Sở Nội vu, Ban Dân tộc tỉnh và đại điện Công an tỉnh tặng hoa chúc mừng Đại hội
Đại hội đã cử 19 đại biểu tiêu biểu đi dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ninh năm 2024, Đại hội đã khen thưởng cho 8 tập thể 18 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc giai đoạn 2019 – 2024 và thông qua Quyết tâm thư của Đại hội.
Huyện khen thưởng cho các tập thể có thành tích xuất sắc
Khen thưởng cho các cá nhân có thành tích xuất sắc
Chương trình văn nghệ chào mừng Đại hội
Đại biểu thăm quan gian hàng OCOP các địa phương
Trước đó đoàn Đại biểu Đại hội Dân tộc thiểu số đã tổ chức viếng nghĩa trang liệt sỹ huyện và tượng đài Anh hùng liệt sỹ Hà Quang Vóc
Mai Thắm – Quốc Nghị (Trung tâm TT&VH Đầm Hà)