Huyện Đầm Hà đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời tăng cường đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm, góp phần đảm bảo quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng.
Hiện nay trên địa bàn huyện Đầm Hà có 2.089 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, trong đó ngành Nông nghiệp có 1.270 cơ sở, ngành Y tế quản lý trên 294 cơ sở, ngành Công thương có 569 cơ sở. Xác định công tác đảm bảo vệ sinh ATTP có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe Nhân dân, huyện Đầm Hà đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền các văn bản pháp luật, chỉ đạo của Chính phủ, các văn bản liên quan đến công tác quản lý ATTP. Từ đầu năm 2024 đến nay, đã tổ chức tuyên truyền công tác đảm bảo vệ sinh ATTP lồng ghép hội thảo, tọa đàm 21 buổi với 3.200 người tham gia, tổ chức tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh, cổng thông tin điện tử huyện, treo 46 Băng zôn tuyên truyền. Qua đó giúp người dân nhận thức được đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong việc thực hiện các quy định về bảo đảm ATTP, biết cách chọn mua, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm an toàn, đấu tranh với các hành vi vi phạm về ATTP, khai báo kịp thời khi xảy ra ngộ độc thực phẩm. Thực hiện “ Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024, huyện Đầm Hà đã thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành; các xã thị trấn thành lập 9/9 đoàn liên ngành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong đó Đoàn liên ngành huyện đã kiểm tra 96 cơ sở gồm 5 cơ sở sản xuất thực phẩm; 79 cơ sở kinh doanh thực phẩm; 12 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; qua kiểm tra phát hiện 16 cơ sở vi phạm, phạt tiền 41.600.000đ, tiêu hủy trị giá 54.660.000 đ. Đoàn liên ngành các xã, thị trấn kiểm tra 908 cơ sở gồm 107 cơ sở sản xuất thực phẩm; 657 cơ sở kinh doanh thực phẩm; 118 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; 26 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Qua kiểm tra đã tuyên truyền, nhắc nhở các cơ sở bổ sinh hồ sơ, cơ sở vật chất, trang thiết bị theo quy định.
Đoàn liên ngành của huyện đã tiến hành kiểm tra và lấy mẫu xét nghiệm các cơ sở sản xuất, kinh doanh giò chả tại chợ trung tâm huyện
Để công tác đảm bảo VSATTP thu được kết quả tốt, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý, rất cần sự chung tay góp sức của người dân. Các hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần có ý thức, trách nhiệm hơn với cộng đồng, sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, trong sản xuất, chế biến thực phẩm, không sử dụng nguyên liệu, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, không an toàn. Trong trồng trọt, chăn nuôi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh và các vật tư nông nghiệp đúng hướng dẫn, đúng quy trình; không sử dụng chất cấm ngoài danh mục cho phép. Đặc biệt là thông qua việc lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có tem nhãn với đầy đủ thông tin về chỉ tiêu chất lượng, hạn sử dụng cũng là biện pháp tốt để người tiêu dùng có thể loại bỏ những sản phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ, đồng thời tăng cường lên án, tố giác và tẩy chay những cơ sở, những sản phẩm kém chất lượng, không an toàn, góp phần làm trong sạch thị trường thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho mỗi người.
Mai Thắm (Trung tâm TT&VH)