Ngày 24/2 (tức ngày 15 tháng Giêng), thị trấn Đầm Hà đã tổ chức khai hội Lễ hội Đình Đầm Hà năm 2024. Đến dự có các đồng chí Thường trực Huyện ủy, HĐND, lãnh đạo UBND huyện, lãnh đạo Trung tâm thông tin và bảo tồn phát huy di sản văn hóa Bảo tàng Quảng Ninh, cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương.
Đại biểu tham dự khai hội
Lãnh đạo huyện tặng hoa chúc mừng
Đình Đầm Hà là nơi thờ 12 vị tiền nhân của dòng họ Hoàng, họ Phan sinh sống lâu năm tại vùng đất Đầm Hà và 15 vị Hậu thần đã góp công xây dựng đình. Năm 2010, Đình Đầm Hà được công nhận là di tích văn hóa cấp tỉnh.
Lễ hội Đình Đầm Hà mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân đồng bằng Bắc Bộ, kết hợp những nét độc đáo của diễn xướng dân gian hát nhà tơ – hát, múa cửa đình của cư dân ven biển. Lễ hội Đình Đầm Hà đã và đang được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, có tính lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng các dân tộc huyện Đầm Hà. Ngày 10/11/2023 “Lễ hội Đình Đầm Hà” đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ghi danh là một trong 36 di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Đây là là niềm vinh dự, tự hào, nguồn cổ vũ to lớn đối với Nhân dân huyện Đầm Hà trong việc giữ gìn và phát huy giá trị của di sản.
Lễ hội Đình Đầm Hà được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Lễ hội Đình Đầm Hà được tổ chức trang nghiêm thành kính vào mỗi dịp đầu Xuân
Lễ rước Thần từ miếu Rừng Hè về Đình
Lễ hội Đình Đầm Hà diễn ra trong 3 ngày từ 15 đến 17 tháng Giêng với các nghi lễ truyền thống: Lễ cáo yết, lễ rước 17 mâm cỗ chay từ nhà ông Chịu Dâu ra Đình, lễ rước Thần, lễ an vị Thần, lễ nhập tịch, lễ đóng cây đống đám thờ Thần, lễ tế Thành Hoàng, lễ cáo trạng, ngồi đình, hát cửa đình, ca trù, xướng đào, múa dâng nhang, đội đèn..v..v..Mỗi lễ gắn với một điển tích nhằm giáo dục con người nhớ ơn tổ tiên, thần, phật; răn dạy con người sống hòa thuận, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, cầu mong mưa thuận gió hòa.
Đặc biệt ở lễ hội Đình Đầm Hà có cả ba loại hình diễn xướng dân gian hát ca trù, múa cửa đình và xướng đào. Đó là sự kết hợp của các điệu hát, điệu múa trong lúc tế. Các hoạt động hát, múa diễn ra trong suốt thời gian tổ chức lễ hội để phục vụ dân làng, ca ngợi quê hương đất nước và cầu chúc những điều tốt đẹp nhất cho năm mới.
Bên cạnh những nghi lễ chung trong các lễ hội đình truyền thống của cư dân đồng bằng Bắc bộ, lễ cáo trạng – một trong những nghi lễ đặc sắc, tạo nên nét riêng, độc đáo của lễ hội đình Đầm Hà cũng được duy trì và diễn ra trong không khí trang nghiêm, thành kính, nhằm tôn vinh công lao học tập, ý chí nỗ lực rèn luyện của những người dân Đầm Hà. Đây cũng là dịp để các ban, ngành, đoàn thể, bà con nhân dân trong và ngoài huyện bày tỏ lòng biết ơn thành kính đối với Thành Hoàng.
Lễ hội Đình Đầm Hà còn có các trò chơi dân gian truyền thống như kéo co, đẩy gậy, chọi gà,..v.v.. các hoạt động mùa lễ hội Đình năm nay được gắn kết với hoạt động của Tuần văn hóa thể thao các dân tộc huyện Đầm Hà, hoạt động phố ẩm thực đêm thị trấn Đầm Hà tạo sự sôi nổi, hào hứng, thu hút đông đảo nhân dân tham gia.
Lễ hội Đình Đầm Hà luôn có một sức thu hút đặc biệt, đó không chỉ là nơi để những người con của quê hương Đầm Hà tri ân ơn nghĩa tổ tiên, mà còn là nơi để du khách thập phương về tụ hội, không chỉ để cầu may, cầu cho một năm mới an lành, hạnh phúc, làm ăn thuận buồm xuôi gió, quốc thái, dân an mà còn được hòa mình vào không gian văn hóa chung của lễ hội.
Thi gói bánh chưng
Văn nghệ chào mừng
Mai Thắm – Quốc Nghị (Trung tâm TT&VH Đầm Hà)