Chủ đề công tác năm 2020: "Huyện Đầm Hà tự hào tiến bước dưới cờ Đảng" - Chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2020)

Lễ hội Đình Đầm Hà – Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia

Lễ hội Đình Đầm Hà (Thị trấn Đầm Hà, huyện Đầm Hà) được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia theo Quyết định 3423/QĐ-BVHTTDL ngày 10/11/2023 của Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch. Hòa chung không khí vui tươi, phấn khởi của những ngày đầu xuân Giáp Thìn 2024, huyện Đầm Hà sẽ tổ chức Lễ đón bằng công nhận Huyện Đầm Hà đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và Lễ hội Đình Đầm Hà là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia vào lúc 19h30′ ngày 23/02/2024 (tức ngày 14 tháng Giêng âm lịch).

Lễ hội đình Đầm Hà được tổ chức thường niên từ ngày 15 đến ngày 17 tháng giêng âm lịch với các nghi lễ truyền thống: Lễ cáo yết, lễ rước 16 mâm cỗ chay từ nhà ông Chịu Dâu ra đình, rước thần từ miếu Rừng Nghè về đình, lễ an vị, nhập tịch thần, lễ đóng cây đống đám, lễ tế Thành Hoàng, lễ khai hội, lễ cáo trạng, lễ tống thần .v..v.. Mỗi lễ gắn với một điển tích nhằm giáo dục con cháu nhớ ơn tổ tiên, thần, phật; răn dạy con người sống hòa thuận, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, Quốc thái, dân an; mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân đồng bằng Bắc bộ. Phần lễ được tổ chức trọng thể trong không khí trang nghiêm, thành kính và  được chuẩn bị chu đáo.

Lễ hội Đình Đầm Hà được phục dựng từ năm 2008 và duy trì đáp ứng nguyện vọng của nhân dân

Đình Đầm Hà được xây dựng từ cuối thế kỉ XVII, là một trong những ngôi đình lớn, có không gian kiến trúc mang đậm nét đặc trưng của những ngôi đình cổ Việt Nam. Năm 1963, Đình Đầm Hà cũng như nhiều ngôi đình khác trong huyện bị dỡ bỏ. Năm 2008, cùng với lễ hội Đình, Đình Đầm Hà được xây dựng lại nơi thờ tự với phần Hậu cung đình tạm và ngày càng giữ vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa của nhân dân. Với những giá trị văn hóa lịch sử vốn có, năm 2010, Đình Đầm Hà được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Năm 2012, Đình Đầm Hà được đầu tư xây dựng lại theo kiến trúc truyền thống; bao gồm 5 gian tiền đường, 3 gian hậu cung, kiến trúc cổ mặt chữ Đinh, bốn mái. Đình thờ 12 vị tiền nhân của dòng họ Hoàng, họ Phan sinh sống lâu năm ở đây và 15 vị hậu thần đã góp công xây dựng đình.

Lễ rước thần

Nghi lễ rước Thần tại Miếu Rừng Nghè

 

Đình Đầm Hà về đêm

Múa đèn tại Lễ hội Đình Đầm Hà

Hát mừng Thần tại Lễ hội Đình Đầm Hà

Ngoài phần Lễ, Lễ hội Đình Đầm Hà còn có phần hội với nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia

Lễ hội đình Đầm Hà mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân đồng bằng Bắc Bộ, nhưng vẫn có những nét riêng độc đáo, đó là sự kết hợp các điệu múa trong lúc tế, chạy cờ xung quang đình và miếu, hát ca trù, hát xướng ả đảo mừng Thành hoàng về dự hội. Lễ hội được tổ chức nhằm khơi dậy ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử; đồng thời nhằm góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, đáp ứng nhu cầu về văn hóa tinh thần, tín ngưỡng, tâm linh của bà con nơi đây và du khách thập phương.

Lễ đón bằng công nhận Huyện Đầm Hà đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và Lễ hội Đình Đầm Hà là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia được tổ chức vào ngày 23.02.2024

Với những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, Lễ hội Đình Đầm Hà được Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây là niềm vinh dự, tự hào của chính quyền và Nhân dân Thị trấn Đầm Hà nói riêng, huyện Đầm Hà và tỉnh Quảng Ninh nói chung; là cơ sở pháp lý để các thế hệ tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị và duy trì Lễ hội Đình Đầm Hà; góp phần thiết thực vào việc giữ gìn sự phong phú, đa dạng của kho tàng của di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam.

Thanh Nga (Trung tâm TT&VH huyện Đầm Hà)